1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

"Nhập khẩu lạm phát" ra sao?

Nhập khẩu tăng cao không chỉ làm cho nhập siêu lớn đe dọa cân đối vĩ mô, làm tăng tỷ giá ngoại hối, mà còn tác động đến lạm phát cao ở trong nước, nếu lạm phát mang tính toàn cầu, trong điều kiện Việt Nam mở cửa sâu rộng hơn sau khi gia nhập WTO...

Trên các diễn đàn hội thảo, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII đã xuất hiện một cụm từ mới đó là “nhập khẩu lạm phát”.

Vậy “nhập khẩu lạm phát” hiện nay ra sao và làm thế nào để chống “nhập khẩu lạm phát”?

“Nhập khẩu lạm phát” của Việt Nam thể hiện ở nhiều điểm. Nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với GDP. Nếu năm 1995 mới có 8.155,4 triệu USD, bằng 39,2% GDP, năm 2000 là 15.636,5 triệu USD, bằng 50,1% GDP thì năm 2007 là 62.682,2 triệu USD, bằng 88% GDP.

Năm 2008 mới qua 5 tháng, nhập khẩu đã lên đến 37.817 triệu USD, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước, lớn hơn mức nhập khẩu trong cả năm từ năm 2005 trở về trước.

Do nhập khẩu cao hơn xuất khẩu nên nhập siêu những năm gần đây tăng mạnh: nếu năm 2000 mới có 1.153,8 triệu USD, bằng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng 3,7% GDP thì năm 2007 đã lên đến 14.120,8 triệu USD, bằng 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng 19,8% GDP.

Năm 2008 mới qua 5 tháng, nhập siêu đã lên 14.419 triệu USD, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước (bằng 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 23,1% của cùng kỳ), lớn hơn mức nhập siêu kỷ lục trong cả năm 2007.

Những năm gần đây, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tính bằng USD đã tăng mạnh, làm tăng kim ngạch nhập khẩu của nước ta.

Giá hàng nhập khẩu tăng do hai yếu tố: do đơn giá tính bằng USD tăng và do tỷ giá đồng Việt Nam/USD tăng. Giá USD ở Việt Nam từ mấy năm nay có xu hướng tăng thấp hơn những năm trước (năm 2001 tăng 3,8%, năm 2002 tăng 2,1%, năm 2003 tăng 2,2%, năm 2005 tăng 0,4%, năm 2005 tăng 0,9%, năm 2006 tăng 1,0%, năm 2007 giảm 0,03%, năm tháng đầu 2008 tăng 0,32%).

Từ 26/5 đến nay, giá USD lúc trồi, lúc sụt nhưng theo xu hướng cao lên, đã có lúc trên thị trường tự do đã lên đến 18.300 đồng, cao hơn nhiều so với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại (16.255).

Đồng USD trên thế giới mất giá mạnh so với các đồng tiền khác. Trong khi đồng nội tệ của nhiều nước, nhất là những nước có buôn bán lớn với Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá so với USD thì việc đồng Việt Nam mất giá so với USD, tuy có tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng cũng làm cho tình trạng nhập khẩu lạm phát bị khuếch đại lên.

Cách đây một vài tháng, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên đã chủ động điều chỉnh để đồng Việt Nam lên giá so với USD (xuống dưới 16.000 đồng ăn một USD, ở thị trường tự do còn thấp hơn nhiều).

Nhưng do những tác động phụ của việc lên giá đồng nội tệ, lại đúng vào thời gian nhập siêu tăng mạnh, nên giá USD tháng 5 đã tăng lên và trên thị trường tự do đã xuất hiện cơn sốt giá USD.

Cần lưu ý là “nhập khẩu lạm phát” còn thể hiện ở “cánh kéo tỷ giá”. Một USD ở Việt Nam có sức mua tương đương với 3,4 USD tại Mỹ (mới được ngân hàng thế giới tính lại từ năm 2005, còn các năm trước, hệ số trên lên đến 4- 5 lần).

Điều đó chứng tỏ hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị đắt kép: vừa đắt do đơn giá tính bằng USD tăng (trong khi giá USD bị giảm mạnh trên thế giới), vừa đắt do giá đồng Việt Nam bị neo giữ vào đồng USD, vừa đắt do cánh kéo tỷ giá.

Chính nhập khẩu lạm phát đã góp phần làm cho lạm phát của Việt Nam cao hơn của các nước. Để giảm áp lực nhập khẩu lạm phát, cần phải thực hiện nhiều biện pháp.

Biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để thắng trên sân người (khi xuất khẩu) và không thua trên sân nhà (khi mở cửa sâu rộng hơn cho hàng nhập khẩu), vừa giảm được nhập siêu để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giảm áp lực lạm phát toàn cầu trong điều kiện đồng USD bị mất giá kéo dài, dù nay mai có tăng lên nhưng cũng còn lâu mới trở lại với giá cũ so với các đồng tiền mạnh khác.

Một biện pháp quan trọng là việc lựa chọn đồng tiền khi ký hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu để có lợi nhất, tùy thuộc vào biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng ngoại tệ tương ứng.

So với đồng ngoại tệ nào đó nếu giá đồng Việt Nam tăng (tức là tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ đó giảm), thì nên tính và thanh toán bằng đồng ngoại tệ đó khi nhập khẩu sẽ có lợi; nếu giá đồng Việt Nam giảm (tức là tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ đó tăng), thì nên tính và thanh toán bằng đồng ngoại tệ đó khi xuất khẩu sẽ có lợi.

Một biện pháp rất quan trọng là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu nhập khẩu, giảm mạnh tính gia công của sản xuất, tính đại lý của thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng hơn nữa biên độ giao dịch. Các ngân hàng có thể áp dụng tỷ giá hối đoái kép để vừa khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu,...

Theo Phương Nam
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm