1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhân viên địa ốc “nhăn nhó” vì thưởng Tết

Như mọi năm nhân viên trong các công ty địa ốc gặp nhau thì vui hết cỡ, rôm rả bàn chuyện mua xe ô tô, mua trang trại... Còn năm nay đại bộ phận đều “nhăn nhó”!

Nhân viên địa ốc “nhăn nhó” vì thưởng Tết - 1

“DN địa ốc trong nước vừa thưởng vừa lo... phá sản”

Ông Lê Vũ Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sông Hồng, trong những ngày cuối năm đã tâm tư rất thật như vậy về đời sống của DN địa ốc trong năm 2008.

Ông Dũng cũng nói thêm, đời sống năm nay khác xa năm 2007 do các DN không bán được hàng. Ví như, Tổng công ty Địa ốc Sông Hồng, có hai dự án có thể tiêu thụ được ở Bắc Ninh làm khu công nghiệp cũng đang rơi vào tình cảnh “đóng băng” do nhà đầu tư thứ phát gặp khó khăn vì chưa vay được vốn ngân hàng nên họ cũng không thuê đất.

Mặc dù khó khăn như vậy, song Tổng công ty vẫn thưởng duy trì mức thưởng Tết tối đa cho cán bộ công nhân viên. Theo đó, mức thưởng thấp nhất là 1,8 triệu đồng, trưởng phòng thì khoảng 6 - 7 triệu đồng.

“Như mọi năm làm ăn được ngoài thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động, công ty còn thưởng dựa trên năng suất, hiệu quả công việc. Có năm nhiều người lao động được nhận thêm 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhưng năm nay, theo số liệu báo cáo của công ty, năng suất bằng 0 nên anh em cán bộ cũng chỉ nhận tháng lương 13 vậy thôi”, ông Dũng không giấu giiếm khó khăn.

Một trưởng phòng kinh doanh DN địa ốc A.B (giấu tên) tâm sự: Năm vừa rồi nhiều DN địa ốc lao đao và bị “ăn đòn” oan vì giới đầu cơ.

Khi thị trường BĐS đang hoạt động mạnh mẽ, giới đầu cơ dù chỉ đủ tiền mua 1 căn nhà nhưng vẫn chạy vốn với lãi suất cao để mua bằng được... 5 cái. Nên khi thị trường tài chính “hắt hơi, sổ mũi” quá nặng họ lập tức bán “phá giá” mong gỡ vốn trả nợ.

“Vậy là người mua cứ chờ để giá giảm tiếp rồi mới mua, hệ quả là các DN địa ốc lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”, không bán được hàng. Lo không bị phá sản là may thì lấy đâu ra tiền thưởng Tết cao. Người lao động ngành BĐS coi như trắng tay tiền thưởng Tết”, vị này bức xúc.

“DN địa ốc hầu hết là tự bỏ tiền túi ra, vay ngân hàng thì cũng phải có tài sản bảo đảm, nếu lỗ thì là ông tự “ăn vào thịt mình” thôi. Một dự án BĐS lên tới 500 tỉ đồng thì DN đã phải đi vay 300 tỉ, nếu giá giảm tiên tục trong 6 tháng thì DN yếu phá sản, DN mạnh thì trụ được 1 năm, còn siêu mạnh cũng chỉ trụ tối đa một năm rưỡi là sập”, ông Lê Vũ Dũng nói thêm.

Thế nên mới có câu chuyện vui mà ông Dũng dẫn ra: Mọi năm anh em Tổng giám đốc các công ty địa ốc khác gặp nhau rất hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Cấp lãnh đạo cao thì bàn chuyện mua xe ô tô, mua trang trại, cấp thấp hơn thì bàn mua màn hình LCD, xe máy đẹp, còn năm nay thì hầu như đều... “nhăn nhó”!

Cùng tâm tư với các DN địa ốc khác, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế Kỷ (CEN Group) cho biết, mức thưởng Tết cho cán bộ nhân viên bình quân của công ty này là 5 triệu đồng. So với năm ngoái đã giảm đi 20%.

Theo ông Hưng, sự đi xuống của thị trường BĐS trong năm 2008 chính là nguyên nhân khiến cho khối DN này không “mặn mà” với việc chi thưởng tết.

Doanh nghiệp BĐS nước ngoài vẫn thưởng lớn

Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm của khối DN trong nước thì “điểm sáng” về mức thưởng Tết cao lúc này tập trung ở khối DN BĐS có 100% vốn nước ngoài.

Một lãnh đạo của Công ty BĐS Savills có 100% vốn nước ngoài đóng trên địa bàn Hà Nội cho biết, theo thông lệ thì cuối năm khi nghỉ Tết cán bộ công nhân viên của DN này cũng sẽ được nhận lương tháng 13 để ăn Tết.

Mức thưởng cho trưởng phòng này là không dưới 2.000 USD, một số tiền khá và là mơ ước của các DN địa ốc trong nước lúc này.

“Trong công ty còn có nhiều người nhận mức thưởng cao hơn tôi vì lương bình quân của họ lên tới 3.000 - 4.000 USD/tháng rồi”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Mức thưởng của của các DN BĐS nước ngoài cao là nhờ họ có tiềm lực kinh tế mạnh và có phạm vi hoạt động rộng khắp trên toàn cầu. Có thể bị tụt giảm doanh thu ở một khu vực nào đó trên thế giới nhưng vẫn có thể bù đắp nguồn tiền từ những thị trường khác.

Vì vậy để có một quỹ lương thứ 13 để thưởng cho cán bộ công nhân viên không quá khó khăn đối với các công ty này.

Một nhóm đối tượng khác trong ngành địa ốc năm nay vẫn “lách” lên được để nhận tiền thưởng tết cao là đội ngũ môi giới BĐS.

Mức thưởng báo cáo lên các sở LĐTB&XH Hà Nội và TPHCM của một số công ty địa ốc bình quân đã lên tới 40- 50 triệu đồng/người.

“Việc thưởng cao cho những lao động này nhằm khuyến khích những người khác năng động hơn, kéo về được nhiều hợp đồng giao dịch nhà đất thành công. Bởi trong thời điểm thị trường “đóng băng” này để thương thuyết được một giao dịch đã là thành công lớn”, lãnh đạo Công ty BĐS Hoà Bình (Hà Nội) cho hay.

Theo Lê Minh
VTC News