1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nhân việc mở rộng Hà Nội, đổi mới cán bộ cơ sở”

(Dân trí) - Nhiều ý kiến của đại biểu HĐND cho rằng, nhân việc mở rộng, hợp nhất Hà Nội, nên tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cán bộ cơ sở. Cùng đó, đại biểu đề nghị thành phố có giải pháp đặc thù “giúp sức” người dân và doanh nghiệp trong lúc “bão giá”.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố do Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển trình bày tại phiên khai mạc HĐND sáng nay (13/6), nêu rõ, kinh tế trên địa bàn thủ đô tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 10,9%, trong đó giá trị tăng thêm công ghiệp mở rộng tăng hơn 12%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt thấp nhất trong 4 năm gần đây, một số công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ. Tình hình ùn tắc giao thông vẫn khá phức tạp, vi phạm trật tự diễn ra trên nhiều tuyến phố… Tỉ lệ sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba có chiều hướng gia tăng…

Tỉ lệ lạm phát của thành phố tăng cao nhất trong thời gian gần đây, 4 tháng đầu năm tăng hơn 16%, dự kiến 6 tháng đầu năm hơn 18%.

Giải pháp đặc thù ứng với bão giá

Góp ý kiến với báo cáo của UBND TP, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, cử tri và doanh nghiệp còn băn khoăn về bức tranh kinh tế với những điểm còn sẫm màu. Theo bà Hường, lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay là 21%, trong khi khó có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào có thể đạt được mức lãi suất như vậy. Vốn khó khăn như vậy nên theo bà Hường phải tập trung cải cách hành chính vì theo bà, đây là thứ “rẻ nhất”, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.

Bà Hường cũng đề nghị, thành phố nên xem lại mục tiêu vượt thu thuế 5% để giúp cho việc dưỡng thu, tăng thu thuế lâu dài. Thêm nữa, thành phố nên mạnh dạn có quĩ bình ổn thị trường để chủ động đối phó với diễn biến của giá cả, cho dù có những khó khăn từ cơ chế do lần đầu tiên thực hiện.

“Cơn bão giá đang hoành hành với cấp độ cao nhất, thành phố phải có giải pháp đặc thù gì”, đại biểu Bùi Thị An nối tiếp. Sở dĩ như vậy theo bà An là vì Hà Nội tập trung nhiều người làm công ăn lương, nhiều cán bộ hưu trí và có những điểm khác hơn với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Về vấn đề cắt giảm đầu tư công, nhằm chống lạm phát, đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, thành phố chỉ nên cắt giảm những công trình mới, còn những công trình đã triển khai thì nên cho thực hiện tiếp. Theo ông Tân, nếu để vốn đọng lại có khi còn lãng phí hơn.

Thi tuyển lãnh đạo phường, xã!

Sau khi phân tích những điểm còn tồn tại được đề cập trong báo cáo của UBND TP, đại biểu Ngô Văn Ny nhìn nhận, trong các nguyên nhân của yếu kém mà thành phố nêu lên, chưa nói rõ được trách nhiệm thuộc về ai.

Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, các cấp cơ sở còn nhiều yếu kém cho nên ở lần báo cáo tới cần nêu rõ những quận nào tốt, quận nào kém từ đó mới có cơ sở đặt ra trách nhiệm và rút kinh nghiệm.
“Nhân việc mở rộng Hà Nội, đổi mới cán bộ cơ sở” - 1
Đại biểu Ngô Văn Ny: chưa nói rõ trách nhiệm thuộc về ai.
 
Bà An cho biết, qua tiếp xúc cử tri mới thấy, cán bộ cấp cơ sở “làm khổ” người dân rất nhiều. Thậm chí, có những quyết định, Phó Chủ tịch UBND TP ghi rõ ngày tháng giải quyết, nhưng cấp cơ sở vẫn… lờ đi. Bà An cũng đặt ra vấn đề đối với lãnh đạo cấp quận, huyện, bởi theo bà, những nơi nào Bí thư, Chủ tịch UBND tốt, nghiêm chỉnh thì nhiều việc bên dưới trôi chảy và ngược lại.

Vị đại biểu nữ này cũng đưa ra một đề nghị mạnh dạn, nhân việc mở rộng Hà Nội được thực hiện, thành phố nên tuyển chọn, xắp xếp lại cán bộ ở cơ sở. Thậm chí, theo bà có thể tổ chức thi tuyển để chọn cán bộ chuyên trách, chủ tịch, phó chủ tịch phường, xã.

Phát biểu sau đó, đại biểu Vũ Đức Tân cũng chia sẻ khi cho rằng, chúng ta đã coi trọng cải cách hành chính, nhưng việc thực hiện vẫn đang “mắc”, có những việc trên chỉ đạo, nhưng dưới không thực hiện. Vấn đề đặt ra theo ông Tân là phải có đột phá nào đó và nhân dịp mở rộng Thủ đô, thành phố nên thực hiện đổi mới cán bộ với xu hướng trẻ hoá. Điều này sẽ là cơ sở thuận lợi để đưa Chính phủ điện tử vào sử dụng.

Cấn Cường