Nhận tiền bồi thường, ngư dân sắm ngư lưới cụ tiếp tục bám biển
(Dân trí) - Sau khi nhận được tiền bồi thường do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, ngoài việc trang trải một phần nợ nần, nhiều ngư dân tại tỉnh Quảng Trị đã đầu tư mua sắm thêm ngư lưới cụ, nâng cấp máy móc để tiếp tục bám biển, đảm bảo cuộc sống.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường biển. Trong đợt này, chính quyền địa phương đã phân bổ bước đầu hơn 200 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho ngư dân tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn.
Để bảo đảm việc chi trả công bằng, chính xác cho các đối tượng, chính quyền địa phương đã rà soát, lên danh sách công khai, xây dựng kế hoạch chi tiết. Đồng thời, lập hội đồng giám sát chi trả bồi thường, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là việc người dân sẽ sử dụng số tiền hỗ trợ này như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống cho bà con sau nhiều tháng trời các hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển bị ngưng trệ. Những ngày qua, PV Dân trí đã có mặt tại các xã biển vùng bãi ngang của huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để ghi nhận tình hình.
Theo ghi nhận, phần lớn ngư dân bày tỏ sự hài lòng về mức bồi thường đã được cơ quan chức năng áp dụng chi trả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng chưa được đưa vào danh sách kê khai đền bù đợt này, chính quyền các địa phương đang lập kế hoạch đề nghị xem xét.
Xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị thực hiện việc chi trả tiền bồi thường với gần 12 tỷ đồng cho 257 đối tượng bị ảnh hưởng. Trong đó, có 106 chủ tàu thuyền và 151 lao động nghề biển. Sau khi nhận tiền, bà con ở đây đã bắt đầu ổn định sản xuất bằng việc mua sắm thêm ngư lưới cụ, đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi.
Ngay từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động cử cán bộ về tận cơ sở để hướng dẫn bà con chuyển đổi sinh kế, từng bước khắc phục khó khăn. Nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và bắt đầu phát huy hiệu quả.
Ngư dân Hoàng Thiện (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) đã trích 6 triệu đồng để mua máy thuyền 10 mã lực thay cho máy cũ chỉ 5 mã lực. Trong đợt chi trả này, ông Thiện được bồi thường 64 triệu đồng đối với chủ tàu thuyền có công suất dưới 36 mã lực. Ngoài để trả những khoản nợ trước đây, ông cũng như nhiều bà con khác đã dành phần lớn số tiền có được để tiếp tục bám nghề biển.
Đợt đền bù vừa qua, hộ ông Hoàng Văn Phiến (thôn 7, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cũng nhận được hơn 60 triệu đồng sau một thời gian ngừng đánh bắt. Với số tiền này, ngoài việc trang trải một số khoản nợ, ông Phiến đã đầu tư mua sắm thêm lưới đánh bắt cá khoai, cá đục… để chuẩn bị ra khơi, đảm bảo cuộc sống.
“Dù số tiền đền bù có lớn đến đâu cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do sự cố cá chết gây ra, nhưng tạm thời cũng có thể giúp bà con ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình tui đã sử dụng tiền bồi thường để tu sửa lại thuyền, mua thêm lưới mới để tiếp tục bám biển, ổn định kế sinh nhai. Bà con ngư dân chúng tôi chỉ hy vọng biển sạch và an toàn hơn để mưu sinh, bởi nghề biển đã gắn bó với bà con từ bao đời nay”, ông Phiến bộc bạch.
Sau khi nhận tiền bồi thường, ngư dân Bùi Chiến, xã Gio Hải cũng trích gần 30 triệu đồng để mua sắm lưới, nâng cấp máy móc và tiếp tục hoạt động đánh bắt. Từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết, hộ anh Chiến đã tiên phong trong việc chuyển đổi sinh kế để đảm bảo cuộc sống gia đình khi việc đánh bắt bị đình trệ. Gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn mua thêm gia súc để chăn nuôi.
Anh Chiến cho hay: “Hiện nay việc đánh bắt cũng đang có chiều hướng phục hồi, bà con đã đi biển trở lại, song sản phẩm hải sản đánh bắt được bị sụt giá. Một số loại cá bây giờ giá chỉ còn một nửa, thậm chí bán ra rất chậm. Vì vậy, dù ra khơi nhưng sản phẩm đánh bắt không đủ chi phí. Những loại hải sản đánh bắt xa bờ nhờ ổn định được đầu ra nên cũng đỡ hơn”.
Xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong có 557 đối tượng là chủ thuyền và lao động trên thuyền được nhận tiền đền bù trong đợt này. Trong đó, thuyền không lắp máy là 34 chiếc với 84 lao động; thuyền dưới 20 CV là 252 chiếc với 398 lao động; thuyền trên 20CV là 31 chiếc với 77 lao động. Trong đợt này, toàn xã Triệu Lăng được chi trả tiền đền bù với tổng số tiền là gần 29 tỷ đồng.
Ngư dân Trần Quang Dũng (thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) cho biết: “Nhận được tiền đền bù chúng tôi sẽ cải hoán tàu thuyền, mua ngư lưới để tiếp tục đánh bắt. Nếu còn tiền thì sẽ mua giống bò, lợn, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.
Liên quan đến việc đảm bảo sinh kế lâu dài cho bà con ngư dân, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay: “Tỉnh này đã triển khai các đề án hỗ trợ sinh kế lâu dài cho bà con như phát triển trang trại chăn nuôi trên vùng cát, tạo việc làm và đào tạo nghề cho bà con, xuất khẩu lao động... để giúp bà con ổn định cuộc sống”.
Chính quyền tại các địa phương vùng biển của tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục việc tuyên truyền, hướng dẫn và hộ trợ ngư dân sử dụng nguồn tiền đền bù có hiệu quả. Đồng thời, ngoài số tiền bồi thường của Formosa, tỉnh Quảng Trị cũng đã trích kinh phí hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng để chính quyền địa phương sử dụng vốn quay vòng hỗ trợ sinh kế đối với những hộ dân thực sự khó khăn.
Đăng Đức