Nhận tài trợ nước ngoài để làm khoa học - cấm “phạm” an ninh
(Dân trí) - Ngoài khoản chi cố định 2% ngân sách, các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học có thể huy động vốn đầu tư xã hội, doanh nghiệp và nguồn lực nước ngoài… phục vụ nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ nhưng không được gây phương hại an ninh, quốc phòng…
Dự thảo Luật Khoa học công nghệ sửa đổi (KHCN) trình xin ý kiến Quốc hội ngày 25/5 quy định cụ thể: “Nhà nước bảo đảm chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ”. Luật cũng xác định thêm một số cơ chế để huy động nguồn đầu tư của xã hội, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, chính sách thu hút nguồn lực nước ngoài.
Tuy nhiên, quy định này cũng đi kèm điều kiện, được nhận tài trợ nước ngoài nhưng không được gây phương hại đến an ninh, quốc phòng.
Với các cá nhân, nếu đang hoạt động trong tổ chức KHCN nhận tài trợ thông qua tổ chức KHCN đó. Còn cá nhân đang hoạt động trong một tổ chức KHCN có đề tài riêng hoặc được phía nước ngoài thuê thực hiện nhiệm vụ KHCN không thuộc phạm vi quản lý của tổ chức KHCN của mình, thì đăng ký nhận tài trợ tại Sở Khoa học và Công nghệ hoặc thông qua một tổ chức khoa học và công nghệ thích hợp.
Một nội dung khác, Bộ trưởng Bộ KHCN có thể thay mặt Nhà nước ký hợp đồng đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ cấp Nhà nước và có trách nhiệm tiếp nhận kết quả, tổ chức việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Bộ KHCN được chủ động xác định nhiệm vụ KHCN cụ thể cho mỗi giai đoạn 5 năm và hằng năm, thay vì phải trình lên Thủ tướng như hiện nay.
Vẫn chưa hài lòng với những thay đổi thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) kiến nghị cần đi vào các vấn đề cụ thể hơn, tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ hiện nay.
Cơ chế tài chính là một trong những vướng mắc lâu nay nhận nhiều ý kiến mổ xẻ để vấn đề này không còn là cản trở đối với hoạt động này.
Ngoài quy định về các nguồn tài chính, đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ KHCN) lý giải, luật cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại hiện nay, vừa bảo đảm kỷ luật tài chính, chống thất thoát, vừa tạo cơ chế phân bổ, sử dụng, kiểm soát việc sử dụng kinh phí phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN.
Ví dụ như việc áp dụng cơ chế khoán chi, áp dụng cơ chế quỹ, cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN. Với cơ chế này, các đề tài, dự án sẽ không phải đợi kinh phí quá lâu, đồng thời không phải quyết toán theo năm tài chính, có thể chủ động chuyển nguồn, đơn giản hóa các thủ tục hóa đơn, chứng từ. Lần đầu tiên cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho KHCN cũng được đề cập trong dự thảo luật. Điều này có nghĩa, đề tài nào có sản phẩm cuối cùng đúng như tiêu chí “đặt hang” sẽ được quyết toán, không cần phải có quá nhiều hóa đơn chứng từ giải trình phức tạp như trước đây.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) ủng hộ hướng quy định xác nhận hình thức khoán chi trong hoạt động khoa học công nghệ cũng như các hình thức bị cấm đối với hoạt này.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về việc sở hữu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà khoa học, cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Theo kế hoạch, Luật khoa học công nghệ sửa đổi, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 này.
P.Thảo