Nhân sự cao cấp phải kê khai tài sản
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, người được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó thủ tướng và bộ trưởng một số bộ sẽ phải kê khai tài sản trước khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này.
Chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành thời gian hơn 5 ngày (từ 24/6 đến 30/6) để làm công tác nhân sự.
Xin ông cho biết quy trình làm nhân sự tại kỳ họp này?
Đúng ra thường phải thay Chủ tịch Quốc hội trước. Nhưng bây giờ để đảm bảo điều hành cho quen thì dự kiến sẽ thay Chủ tịch Quốc hội cuối cùng.
Quy trình dự kiến như thế này: Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, tiếp sau đó là bầu Chủ tịch nước. Công việc tiếp theo, Chủ tịch nước mới sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng và bầu Thủ tướng mới.
Xong việc đó rồi, Thủ tướng mới sẽ trình Quốc hội cho miễn nhiệm nhân sự Phó thủ tướng và một số bộ trưởng. Tiếp theo, Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó thủ tướng và một số bộ trưởng.
Sau đó mới quay lại, Thường vụ Quốc hội sẽ trình lên Quốc hội đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội và bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Tất cả quy trình nhân sự đều bỏ phiếu kín.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phê chuẩn 2 phó thủ tướng, trong đó có một phó thủ tướng chuyên trách chống tham nhũng do một ủy viên Bộ Chính trị đảm nhiệm.
Quốc hội cũng xem xét thay thế người đứng đầu 7 bộ, ngành là: Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Văn hoá Thông tin, Tài chính, Giáo dục Đào tạo, Giao thông Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ. |
Những người được giới thiệu vào các chức vụ nói trên có phải kê khai tài sản?
Theo luật phải kê khai tài sản, phải có báo cáo xem có đơn thư tố cáo gì không. Lúc đó Quốc hội có thể chia họp theo Đoàn để tập hợp ý kiến, có những vấn đề giải trình. Vấn đề nhân sự, Quốc hội sẽ họp và bỏ phiếu kín.
Đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã làm như vậy. Tất cả chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều phải kê khai tài sản. Có sẵn mẫu kê khai tài sản. Hiện nay Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ 1/6 cũng đã quy định về chuyện này.
Việc kê khai tài sản là tự giác. Chỉ khi nào người kê khai tài sản giữ chức vụ có dấu hiệu phạm tội mới điều tra, xác minh tài sản. Còn bình thường pháp luật chưa có quy định phải thẩm định việc kê khai đó trung thực hay không.
Đến thời điểm này, Quốc hội đã nhận được phương án nhân sự?
Danh sách nhân sự đôi khi là tài liệu mật gửi thẳng cho Đảng đoàn Quốc hội chứ không phải Văn phòng Quốc hội. Tôi thấy Thường vụ Quốc hội chưa họp bàn chuyện này.
Tôi được biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giới thiệu 3 người vào 3 chức danh chủ chốt của Nhà nước. Ngoài ra, chưa thấy ai ứng cử, đề cử cả.
Kê khai không trung thực không được bổ nhiệm
Việc xác minh tài sản được thực hiện trong các trường hợp: Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết; Theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Có hành vi tham nhũng.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.
(Trích quy định tại Điều 47, Điều 52, Luật phòng chống tham nhũng) |
Theo Văn Tiến
Vietnamnet