1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Nhan nhản bánh phở có formol

(Dân trí) - 50% mẫu bánh phở đang được sử dụng tại Hà Nội có formol - Đó là kết quả thu được trong buổi kiểm tra đột xuất tối qua (11/1) của đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố.

100% cửa hàng phở gần bến xe, tàu đều có formol

 

Tối qua, đoàn thanh tra liên ngành đã có mặt tại khu vực ăn uống phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu và ngõ Linh Quang, phường Văn Chương (quận Đống Đa). Tại cửa hàng cơm phở bình dân số 2 Trần Quý Cáp, thức ăn sống, chín được bày lẫn lộn. Mọi thứ đều được nhân viên bán hành dùng tay… bốc. Hoá chất thử đã cho kết quả dương tính với formol. Chủ cửa hàng sau một hồi “sửng cồ” với cán bộ thanh tra mới tiết lộ: Vì cửa hàng gần chợ nên họ thường lấy bánh phở bán trôi nổi trong chợ, không biết rõ nguồn gốc sản xuất.

 

Tại hai cửa hàng khác là quán nhậu Hiền Hòa (số 44) và cửa hàng bún, miến, phở gia truyền (số 15 Trần Quý Cáp), bánh phở cũng dương tính với formol. Hai chủ cửa hàng này cho hay họ đều lấy bánh phở tại sở sản xuất ở số 52, ngách 51, tổ 64, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương.

 

Đây là một khu sản xuất bừa bãi, rất mất vệ sinh. Tất cả các mẫu bánh phở trong xưởng đều có chứa formol. Được biết, cơ sở này đã có thâm niên sản xuất bánh phở khá lâu và cung cấp một lượng bánh không nhỏ cho nhiều cửa hàng bán phở trên khắp Hà Nội.

 

Khi đoàn kiểm tra đến, trong xưởng vẫn còn hơn 10 thúng bánh phở  to tướng không che đậy, để gần thùng nước gạo đã bốc mùi chua, chuẩn bị xuất xưởng đến các hàng phở.

 

Các hộ kinh doanh và cơ sở sản xuất vi phạm này sẽ được giao lại cho các cơ quan có chức năng và chính quyền địa phương giải quyết.

 

Cần sự hỗ trợ từ địa phương

 

Formol là chất rất nguy hại tới sức khỏe con người, đã bị tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế cẩm sử dụng trong thực phẩm nhiều năm qua.

 

Loại hoá chất độc hại  này gây ngộ độc cấp tính, có thể hây hôn mê dẫn đến tử vong.  Formon nếu sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ gây các bệnh mạn tính như viêm gan, ung thư.

Theo ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Y tế - trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vai trò của chính quyền địa phương cấp xã, phường hết sức quan trọng bởi chính họ mới là đầu mối nắm giữ và kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán các mặt hàng thực phẩm nói chung và bánh phở nói riêng.

 

Thực tế cho thấy, cơ sở sản xuất bánh phở và các cửa hàng bán phở vừa bị kiểm tra đều không đăng ký đảm bảo VSATTP với Sở Y tế Hà Nội nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động từ nhiều năm qua. “Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ chính là giám sát công tác kiểm tra của chính quyền địa phương. Nếu họ không vào cuộc một cách nghiêm túc hơn nữa thì có mọc thêm cánh chúng tôi cũng không kiểm soát nổi” - Ông Tuấn bức xúc.

 

Theo ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP, từ nay đến tết Nguyên đán, Cục sẽ tổ chức các đợt  kiểm tra ở tất cả các cửa hàng kinh doanh ăn uống, đặc biệt là các cơ sở xản xuất bánh phở trong thành phố. Tuy nhiên tình hình có được cải thiện hay không thì cần đến ý thức của cả cộng đồng.

 

Không nói đâu xa, ngay tại Hội nghị toàn quốc về VSATTP do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì vừa diễn ra tại Hà Nội, 22/64 lãnh đạo tỉnh/thành đã vắng mặt, 5 tỉnh hoàn toàn không có đại biểu tham dự. Sự thờ ơ dẫn đến hoạt động yếu kém của hệ thống kiểm tra giám sát ở địa phương chính là gốc của vấn nạn thực phẩm không an toàn hiện nay.

Thanh Trầm