Nhân dân tin tưởng vào quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng

Thế Kha

(Dân trí) - Cử tri và nhân dân đồng tình và ngày càng tin tưởng sâu sắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Sáng 10/10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dân tin tưởng vào quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng - 1

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu (Ảnh: Phạm Thắng).

Về tình hình phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững. Học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống.

Ông Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ đồng tình, ủng hộ rất cao và ngày càng tin tưởng sâu sắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhất là việc tiếp tục mở rộng điều tra truy tố xét xử các vụ tham ô, tham nhũng trong phòng chống dịch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Đánh giá cao việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương, cơ sở.

Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi 5 nội dung kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, trong đó có việc điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, về cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, kiến nghị tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Cần khẩn trương nghiên cứu thể chế hóa kịp thời kết luận số 14 -KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…