1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà văn hóa hình "đĩa bay" chính thức mang tên bà tổ ngành sân khấu

Thái Bá

(Dân trí) - Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình đã chính thức được đổi tên thành Nhà hát Phạm Thị Trân - người được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu bà và được tôn vinh là "Bà tổ ngành sân khấu Việt Nam".

HĐND tỉnh Ninh Bình vừa thông qua Nghị quyết về việc đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình mang tên là Nhà hát Phạm Thị Trân.

Nhà văn hóa hình đĩa bay chính thức mang tên bà tổ ngành sân khấu - 1

Nhà hát Phạm Thị Trân ở thành phố Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, việc đổi tên nhà văn hóa trung tâm tỉnh thành Nhà hát Phạm Thị Trân phù hợp với quy mô của công trình xây dựng; ý nghĩa, vai trò, giá trị và tính chất hoạt động của công trình.

Ngoài ra, việc đặt tên Nhà hát Phạm Thị Trân khẳng định giá trị, vị trí, vai trò công trình trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Đồng thời là hành động thiết thực, cụ thể thể hiện sự tôn vinh đối với bà Phạm Thị Trân - người được vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh đô Hoa Lư, chịu trách nhiệm dạy quân lính múa, hát, đánh trống, gảy đàn (bấy giờ gọi là hát nhời hay hát chèo).

Từ những ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến người dân về đề án đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh thành Nhà hát Phạm Thị Trân. Sau đó, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh Ninh Bình xem xét và thông qua nghị quyết.

Được biết, công trình Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình khởi công tháng 7/2021, được xây dựng trên khu đất 6.453m2 trước đây là trụ sở của các đơn vị: Nhà hát Chèo Ninh Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh.

Nhà văn hóa hình đĩa bay chính thức mang tên bà tổ ngành sân khấu - 2

Bên trong Nhà hát Phạm Thị Trân (Ảnh: Thái Bá).

Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 4/2024. Đây là công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tính văn hóa, tạo điểm nhấn đô thị, có tổng diện tích sàn gần 8.500m2, gồm ba khối.

Trong đó khối khán phòng phục vụ biểu diễn nghệ thuật 750 chỗ ngồi, được thiết kế hai tầng, bài trí công phu, trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh và ánh sáng hiện đại; trên tầng thượng có sân khấu biểu diễn múa rối nước quy mô 120 chỗ ngồi; khối nhà làm việc và tầng hầm - khu kỹ thuật.

Công trình có thời hạn sử dụng từ 50 đến 100 năm, là điểm nhấn nổi bật về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân.

Với cơ sở vật chất hiện đại công trình sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp; tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương đồng thời phục vụ tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo và các sự kiện quan trọng khác của tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, công trình sẽ là điểm tham quan, thưởng thức nghệ thuật và các hoạt động văn hóa của du khách khi đến Ninh Bình.

Bà Phạm Thị Trân là người đã đưa nghệ thuật múa, hát, đánh trống, gảy đàn (hát nhời hay hát chèo) lên sân khấu. Bà được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu bà (chức quan chăm lo ca hát trong triều đình vào thế kỷ thứ X).

Sau này, bà Phạm Thị Trân được tôn vinh là "Bà tổ của ngành sân khấu Việt Nam".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm