1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

“Nhà tranh vách nứa” 3,4 tỷ đồng, vừa sử dụng 1 năm đã xuống cấp

(Dân trí) - Mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, Nhà truyền thống bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (TX. Gia Nghĩa) đã xuống cấp, hư hỏng. Đã có lúc, người dân trong bon vui sướng vì sự xuất hiện của căn nhà dài truyền thống, nhưng chỉ ít lâu sau, chính họ lại thất vọng vì chất lượng của công trình tiền tỷ này.

Công trình nhà dài truyền thống xuống cấp sau 1 năm sử dụng

Công trình Nhà Truyền thống bon Đắk R’moan có tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH MTV Trí Nguyên (Gia Nghĩa) thi công, được khởi công xây dựng từ đầu năm 2017, với những hạng mục cơ bản như nhà truyền thống bằng gỗ (rộng 232m2), sân bê tông, nhà vệ sinh, đài nước, khuôn viên cây xanh...

Hình 1.JPG
Nhà dài truyền thống của đồng bào M'Nông tại bon Đắk R'moan

Tháng 1/2018, công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó tới nay, nhà truyền thống là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Mặc dù vậy, đối với nhiều người dân ở bon Đắk R'Moan nhà truyền thống lại trở thành một nỗi buồn vì công trình đã có nhiều biểu hiện kém chất lượng. Trong khi căn nhà chính bộc lộ sự xuống cấp thì công trình phụ trợ phải đóng cửa bỏ không vì không có nước, không có điện.

Hình 2.JPG
Già làng Điểm Nham (đứng giữa) và người dân bức xúc vì chất lượng công trình

Già làng Điểu Nhan, Trưởng bon Đắk R’moan (xã Đắk R’Moan) cho biết, từ khi được nhà nước quan tâm, xây dựng một căn nhà dài truyền thống để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, bà con trong bon đã rất phấn khởi, vui mừng. Ngay từ những ngày đầu thi công, bon đã họp những người lớn tuổi, những người có hiểu biết về nhà dài để cùng chính quyền tham gia xây dựng nhà.

“Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến đơn vị  thi công, nhiều người dân trong bon đã lên tiếng góp ý nhưng họ không nghe, một mực làm theo ý họ. Họ sử dụng gỗ tươi để làm nhà, thế nhưng gỗ cũng không được chọn lọc kỹ càng, bây giờ có nhiều chỗ nứt nẻ, sâu mọt. Đối với phần mái, đơn vị thi công dùng cỏ tranh đang còn non phơi khô để lợp, do đó dù thời gian chưa bao lâu, nhưng phần mái đã bị dột nhiều chỗ. Nếu dùng tranh già như bà con góp ý thì phải 7-8 năm nữa mới hỏng. Vật liệu như thế thì làm sao có chất lượng được”, già làng Điểu Nhan nhận định.

Hình 3.JPG

Nền nhà bong tróc chỉ toàn cát với sỏi đá

Anh Điểu Nhiêng, người có trách nhiệm bảo vệ công trình cho biết, kể cả người không có chuyên môn về xây dựng cũng dễ dàng nhận thấy công trình đang xuống cấp nhanh chóng.

Hiện nay, phần lớn các cột gỗ đều đã nứt, sâu mọt, tạo ra nhiều lỗ lớn. Phần nền nhà thi công sơ sài, nhiều chỗ đã bị bong tróc. Riêng phần nền nhà, dường như không có xi măng, bóp nhẹ một cái là các miếng vữa đã nát vụn như cám. Các hạng mục khác như đài nước không còn hoạt động, giếng nước không có nước, nhà vệ sinh đã hư hỏng, xuống cấp...

Hình 6.jpg
Các công trình phụ không hoạt động được

"Dân làng rất buồn vì nhà mới làm đã xuống cấp. Chắc chỉ một mùa mưa nữa thôi, chúng tôi sẽ không thể sinh hoạt, vui chơi ở đây được nữa", ông Điểu Nhiêng tâm sự.

Ghi nhận thực tế từ Nhà Truyền thống bon Đắk R’moan, nhiều hạng mục của công trình có chất lượng rất kém. Mái lá của công trình đã bị xơ mục, dột tại một số vị trí. Nhiều cột nhà xuất hiện những vết nứt lớn. Một số cột có những lỗ thủng rộng khoảng 3cm, sâu hơn 10cm. Đối với những chỗ nứt, thủng, đơn vị thi công đã dùng keo trộn vớt mạt cưa hoặc xi măng để vá tuy nhiên rất cẩu thả và nham nhở.

Hình 4.JPG
Nhiều trụ cột trong nhà dài bị mối mọt được vá nham nhở bằng keo

Ở trên mái, nhiều cây xà gồ bị cong, nứt nẻ. Nền nhà xuất hiện những vết bong tróc khá lớn. Bên ngoài sân, nền xi măng cũng đã bắt đầu xuất hiện những vết bong tróc, để lộ ra lớp đá 1x2 phía dưới…Các công trình phụ như giếng nước, đài nước, nhà vệ sinh đều không sử dụng được.

Theo hồ sơ thiết kế, công trình có khuôn viên cây xanh để tạo cảnh quan. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn cây xanh được trồng đã chết, những cây còn sống sót thì còi cọc, phát triển chậm.

Theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Đắk R’moan, công trình Nhà truyền thống bon Đắk R’moan do phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Gia Nghĩa làm chủ đầu tư. Hiện nay, UBND xã Đắk R’moan đang thực hiện các thủ tục để nhận bàn giao quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, với thực trạng như vậy, trước khi nhận bàn giao, UBND xã Đắk R'moan sẽ thống kê, lập biên bản về hiện trạng công trình để tránh liên lụy về sau này.

Hình 5.JPG
Một số thiêt bị cũng hỏng do không được duy tu, bảo trì

Trong khi đó, ông Võ Hoàng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Gia Nghĩa, do mới nhận công tác chưa lâu, nên chưa nắm rõ các thông tin của dự án. Sắp tới, Phòng Văn hóa-Thông tin sẽ kiểm tra thực tế công trình và có báo cáo cụ thể về sự việc.

Được biết, Nhà truyền thống bon Đắk R’Moan mới đi vào hoạt động được tròn 1 năm, tuy nhiên chủ yếu là đóng cửa do cơ sở vật chất có dấu hiệu xuống cấp. Trong 1 năm qua, công trình 3,4 tỷ này chỉ được mở cửa 1,2 lần để du khách tham quan.

Dương Phong