1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà thơ cổ động của phường

(Dân trí) - Ông lúc nào cũng bận rộn, không tham gia công tác người cao tuổi thì lại tụ tập bạn bè ngâm thơ, làm thơ. 14 năm nay, sáng sáng người dân trong phường lại được thưởng thức những món ăn tinh thần do ông già gần 70 tuổi viết nên.

Cổ vũ tinh thần chiến sĩ

 

Đến đầu khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, tôi hỏi thăm nhà bác Trần Đậu. Chị chủ quán hàng tạp vụ cười: “Gặp nhà thơ cổ động hả chú?” rồi sai đứa con nhỏ đưa tôi vào tận nhà ông nhà thơ mà theo chị là “nổi tiếng khắp phường này từ lâu rồi”.

 

Căn phòng làm việc của ông nhỏ xíu, nằm sát lối đi vào ngôi nhà. Ở đó lỉnh kỉnh đủ loại giấy tờ sổ sách, tranh ảnh, tivi và chiếc radio cổ lỗ sĩ. Ông lôi từ trong chiếc tủ gỗ đã bị mối mọt đục phá theo thời gian ra một đống giấy tờ và một cuốn sổ chi chít những chữ là chữ, nói như khoe: “Cả đống tài sản thơ của tôi đấy”. Đó là hơn 1.000 bài thơ cổ động mà ông còn lưu giữ được trong suốt quãng đời làm thơ của mình.

 

Ông sinh ra ở “làng họa sĩ” Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ngay từ nhỏ máu nghệ thuật đã có sẵn trong con người chàng trai Trần Đậu. Học hết phổ thông, ông cùng thanh niên trong làng đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, xung phong vào những tuyến lửa nóng bỏng nhất của cuộc chiến giải phóng dân tộc.

 

Năm 1960, ông gia nhập Trung đoàn 148 đóng quân ở Tây Bắc, làm chính trị viên đại đội, cán bộ chính trị của trung đoàn. Công việc khi ấy của ông liên quan đến tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ nên thỉnh thoảng ông có hứng làm những bài thơ ứng khẩu trước những hoàn cảnh khó khăn. Không ngờ những vần thơ đó được các chiến sĩ truyền tai nhau thuộc làu làu.

 

Năm 1964, đơn vị ông tham gia chiến dịch Sầm Nưa - Xiêng Khoảng (Lào). Trước độ cao hơn 2.000m của một dãy núi quanh năm mây mù bao phủ, “nhà thơ” Trần Đậu thốt lên:

 

“Hôm nay lên đỉnh hai nghìn

 Nâng cao súng thép nhấn chìm mù sương”

 

Đoàn quân đang uể oải sau những ngày hành quân dài dằng dặc như có thêm lửa, bước chân ra trận như “thần tốc” hơn.

 

Ông luôn tự hào rằng trong đời binh nghiệp mình được tham gia nhiều trận đánh lớn mà bây giờ đều được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Và trong trận đánh lớn nào, dù là chiến dịch cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1970), chiến dịch Buôn Ma Thuột hay chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng Sài Gòn ông đều có những vần thơ cổ động được sáng tác rất kịp thời để động viên tinh thần chiến sĩ vào những giờ phút cam go nhất.

 

“Những bài thơ cổ động của tôi được các chiến sĩ chép tay truyền cho nhau đọc. Nhưng tiếc lắm cậu ạ, vì hoàn cảnh mà không ít đã thất lạc, tuổi cao nên tôi cũng không nhớ hết. Với tôi đó là cả một thời kỳ lịch sử bằng thơ mà bây giờ giữa thời bình không sao viết lại được. Tiếc nhất là những bài tôi làm để tỏ lòng thương tiếc những người đồng đội đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ quốc” -ông Trần Đậu trầm giọng tâm sự.

 

Nhà thơ cấp phường

 

9h sáng chủ nhật. Những tia nắng ấm áp của một buổi sáng đầu hè như bừng sáng hơn nhờ những âm thanh lanh lảnh: “Đây là bản tin phường Thanh Xuân Bắc… Sau đây mời bà con lắng nghe bài thơ “An toàn giao thông” của bác Trần Đậu viết nhân dịp người dân cả nước thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông:

 

“Bao người tai nạn giao thông

 Khắp đường khắp nẻo đều không thể lường

 Người vỡ sọ, kẻ gãy xương

 Gây bao cái chết tang thương ở đời

 …

 

Người đi trước nhắc người đi sau 

Đội mũ bảo hiểm bảo nhau phải dùng

Không nên chậm trễ ngập ngừng

Kẻo mà nguy hiểm coi chừng hỡi ai”.

 

“Trước mỗi phong trào lớn tôi đều chủ động có tác phẩm gửi cho đài phường để họ phát cho nhân dân nghe. Hôm bài thơ “An toàn giao thông” đọc trên đài phát thanh phường, ngay buổi trưa có anh thợ mổ lợn tìm đến tận nhà bắt tay tôi nói: “Cảm ơn bác. Từ nay cháu hứa sẽ chấp hành đúng luật lệ giao thông”. Số người nghe thơ tôi xong đến tận nhà xin chép thơ hoặc gặp nhau ngoài đường bắt tay cảm ơn thì nhiều lắm. Mình làm thơ cổ động nên càng gần gũi, càng sâu sát thì càng dễ đi vào lòng người” - ông tâm sự.

 

Ông Đậu nghỉ hưu từ năm 1993 với quân hàm đại tá và được cấp cho một căn hộ nhỏ trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc. “Nghỉ hưu nhưng ông ấy cứ bận tối ngày ấy chú ạ, vừa phụ trách tuyên huấn trong ban chấp hành người cao tuổi lại vừa làm chủ tịch Câu lạc bộ thơ văn của phường Thanh Xuân Bắc. Ngày nào cũng họp hành, giao lưu văn nghệ, đi đọc thơ, chỉ đến gần bữa ăn ông ấy mới xuất hiện ở nhà”, bà Nghiêm Thị Loan, vợ ông Trần Đậu, bảo vậy.

 

“Mình là bộ đội cụ Hồ, được rèn giũa với kỉ luật thép trong chiến tranh nên bây giờ thấy những tệ nạn như ma túy, mại dâm, bài bạc,... lan nhanh trong giới trẻ mà không khỏi đau lòng”, đó là lý do ông đại tá già không thể ngừng cầm bút viết nên những bài thơ cổ động.

 

Ông ngồi đọc cho tôi nghe rất nhiều bài thơ mà ông tâm đắc, kể lại hoàn cảnh ra đời của nó mà nhiều lúc lại phải đính chính “làm xong mà buồn lắm cậu ạ”.

 

Ở khu tập thể này, từ bà bán nước chè đến ông chạy xe ôm đầu ngõ, ai cũng biết ông nhà thơ già sáng sáng vẫn chạy thể dục và đàm đạo về các vấn đề thời sự nổi cộm trong nước và trong phường. Mấy hôm trời lạnh, ông ốm, phải vào viện điều trị dài ngày. Biết chuyện, bà con trong phường tổ chức vào thăm động viên ông mau lành bệnh để về làm thơ cho mọi người nghe mỗi sáng. Ông cười: “Còn sống là tôi còn làm thơ phục vụ cho bà con”.

 

Nhiều người đến tận nhà “xin thơ” về nghề nghiệp của họ, ông cũng sẵn sàng đáp ứng. Đó là những bài ông làm cho vợ chồng anh bán cháo lòng tiết canh, anh chạy xe ôm, làm khung nhôm cửa kính, cho chị bán rau tươi, quay nước mía đầu ngõ,…

 

Ông Nguyễn Văn Túy, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết: “Giản dị, dễ nhớ nhưng tính chiến đấu, tuyên truyền lại rất cao, đó là đặc điểm của các bài thơ mà bác Đậu sáng tác. Bác làm thơ cho đài phường 14 năm qua mà không hề đòi thù lao, nhuận bút. Đặc biệt là khi cần một bài thơ cổ động cho phong trào nào đó, chúng tôi chỉ “alô” cho bác là hôm sau có thơ phát sóng liền”

 

“Từ ngày ông ấy trở thành nhân vật của chương trình Chào buổi sáng trên VTV1, nhiều người làm ở đài phường, xã gọi điện, viết thư xin thơ của ông ấy về phát lắm. Tôi cứ phải mua cả tập giấy, phong bì thư cho ông ấy gửi tặng họ đấy”, bà Loan nói vọng ra từ trong bếp.

 

“Giúp ích được một ít cho đời như thế là vui lắm rồi cậu nhỉ?”, ông nhà thơ phường nói với tôi mà như muốn chữa thẹn với vợ.

 

Thế Văn