1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên - Huế:

Nhà sưu tầm từng bỏ học để... “săn” đồ cổ

(Dân trí) - Khởi nghiệp từ lòng đam mê đồ cổ, với chiếc xe đạp cũ, ngày ngày chàng trai rong ruổi từ làng này qua làng khác, từ vùng này sang vùng khác săn lùng cổ vật… Anh là Nguyễn Hữu Hoàng, một nhà chơi cổ vật trẻ tuổi có tiếng ở Huế.

8 năm theo đuổi một... chiếc đĩa

Sinh ra trong một gia đình trung lưu, bố làm nghề thợ chạm, mẹ làm nghề buôn bán tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Hữu Hoàng có điều kiện để học cao, có thể làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên, năm học lớp 11, anh bỗng đưa ra một quyết định bất ngờ khiến cả nhà sửng sốt: nghỉ học để đi theo nghề sưu tầm đổ cổ.
 
Nhà sưu tầm từng bỏ học để... “săn” đồ cổ
Bình gốm cổ

“Có lẽ duyên số đã gắn tôi với nghề này rồi. Tôi xuất thân trong một gia đình xưa nên nhiều thứ quanh tôi cũng rất lâu năm. Những thứ như chén bát, bình hoa, ấm trà ra đời từ thế kỉ 19 dùng để trang trí trong gia đình là nguồn khởi xướng cho lòng đam mê của tôi. Những chi tiết, hoa văn trên đó làm cho tôi thấy mê người và ngắm mãi mà không bao giờ thấy chán. Đã thế, bố làm nghề thợ chạm nên tôi có dịp để ngắm thêm nhiều chi tiết, hoa văn khác nhau trên những chiếc tủ, những bộ bàn ghế… Lòng đam mê cứ lớn dần lên cho đến khi không thể kiềm chế được nữa, tôi quyết định nghỉ học mặc dù vấp phải sự ngăn cản của gia đình” - Hoàng tâm sự.

Thế là Hoàng bỏ học và bắt đầu sự nghiệp sưu tầm đồ cổ của mình với ba lô trên vai cùng chiếc xe đạp cũ, năm đó Hoàng vừa tròn 19 tuổi. Anh rong ruổi từ làng này qua làng khác, ban đầu chỉ là những ngôi làng trong vùng để săn tìm những đồ vật cổ rồi sau đó lan ra nhiều vùng khác…

Mỗi chuyến đi của Hoàng thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, nhiều lúc còn hơn nửa tháng trời. Hoàng kể: “Tôi cứ đi như vậy từ làng này qua làng khác cho đến khi nào ba lô đầy cổ vật mới thôi. Nhiều lúc gặp được đồ vật quý nhưng trong người lại không đủ tiền nên tôi đành về nhà vay mượn của bố mẹ, anh chị rồi quay lại mua cho bằng được.

Nhà sưu tầm từng bỏ học để... “săn” đồ cổ
Nhà sưu tập trẻ Nguyễn Hữu Hoàng bên những cổ vật của mình.

Mỗi khi mua được đồ vật gì mới tôi thấy rất vui sướng và không còn nghĩ tới giá trị tiền bạc nữa. Gia đình và vợ thường gặng hỏi giá trị là bao nhiêu nhưng tôi có khi chỉ nói một nửa giá thôi vì rất sợ bị càm ràm. Giờ nghĩ lại cũng thấy buồn cười: cứ đi xe đạp để đi lùng mua cái tô, cái đĩa tới mấy cây vàng. Quả thật là khó tin!”.

Hiện nhà sưu tầm đồ cổ trẻ tuổi Nguyễn Hữu Hoàng có khoảng trên 1.000 cổ vật và gần 1 triệu cổ vật khác đã từng sở hữu, nhìn thấy thông qua việc trao đổi, mua bán. Tuy nhiên khi hỏi về cổ vật nào tạo cho anh nhiều ấn tượng và mất nhiều công sức nhất, anh Hoàng cho biết, đó là một chiếc đĩa kí kiểu có vẽ hình con bọ ngựa, hiệu đề Tây Hưng Lăng Cô dưới thời Lê Trịnh. Anh theo đuổi chiếc đĩa này đúng 8 năm.

Nhà sưu tầm trẻ đa tài

Khác với những nhà sưu tầm đồ cổ khác thường chỉ tập trung sưu tầm một số loại đồ cổ nhất định, Nguyễn Hưu Hoàng thể hiện tài năng của mình ở trên tất cả các thể loại từ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, vải lụa…

Trong số những bộ sưu tập ấy, nổi nhất và nhiều nhất là bộ gốm sứ kí kiểu. Theo lời anh Hoàng thì đây là những vật dụng như chén, đĩa, tách trà, bình thánh, thống… được các triều đình phong kiến Việt Nam vẽ mẫu mã, hình hài, thơ văn rồi đưa sang Trung Quốc đặt làm. Chính vì thế, trên các đồ gốm sứ kí kiểu thường có hình ảnh của non sông Việt Nam như đèo Hải Vân, chùa Thiên Mụ…

Nhà sưu tầm từng bỏ học để... “săn” đồ cổ
Những nét chạm trổ tinh xảo trên một chiếc hộp quả

Bộ sưu tập thứ hai là bộ trang phục cung đình Huế với những tình tiết hoa văn, những đường thêu nét chỉ tuyệt đẹp mà hiện nay khó ai có thể làm được. Đây là bộ sưu tập mà anh tâm đắc nhất bởi hiện tại trong những nhà sưu tầm ở Huế, chỉ duy nhất một mình anh đang sở hữu. Bộ sưu tập này anh sẽ giành cho đợt trưng bày, phục vụ lễ hội Fesival Huế 2012 tới.

Ngoài những bộ sưu tập đó ra, Nguyễn Hữu Hoàng sở hữu những sưu tập ở nhiều loại khác nhau như: đồ đá có lưỡi dao đá, rìu đá… cách đây từ 3.000 đến 5.000 năm; đồ đồng thời kì Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm; về sách có Sách Đồng (của vua Tự Đức ban phát cho các hoàng tử, công chúa), sách lụa của vua Thành Thái, sách về thuốc, tướng số, các phong tục tập quán cuối thế  kỉ XIX; về đồ gỗ có bàn, tủ, rương, các câu đối…

Nhà sưu tầm từng bỏ học để... “săn” đồ cổ
Nhiều chi tiết, phnong cảnh tinh tế được thể hiện rất đặc sắc trên bộ sưu tập gốm sứ kí kiểu.

Ngoài việc trao đổi mua bán, nhà sưu tầm đồ cổ Nguyễn Hữu Hoàng còn hiến tặng nhiều cổ vất cho những vùng miền khác nhau như Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thanh Hóa… đặc biệt trong dịp thành lập Hội võ Thuật Cổ Truyền tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua, anh đã hiến tặng một cây kiếm vào thế kỉ XIX dưới triều Nguyễn.

Anh Hoàng cho biết thêm: “Thông qua những chuyến đi săn lùng cổ vật, tôi được biết thêm nhiều vùng đất mới, có thêm nhiều cổ vật mới bổ sung, làm phong phú cho bộ sưu tập của mình và quan trọng hơn là được biết được thời kì lịch sử đó như thế nào, trình độ văn hóa, các phong tục xã hội ra làm sao. Từ đó so sánh các thời đại khác với thời đại của mình để thấy được sự khác biệt.  Đồng thời, thông qua các cổ vật, tôi càng thấy yêu đất nước quê hương nhiều hơn”.

Nguyễn Dũng - Đại Dương