1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà Rông cháy, xây lại bằng bê tông cốt thép

(Dân trí) - Một số nhà Rông ở Kon Tum sau khi bị cháy được người dân và chính quyền địa phương khôi phục lại bằng bê tông hoá các trụ cột và dầm sàn, thậm chí lợp tôn trắng… Những cố gắng khắc phục này đã làm mất đi cái hồn của nhà Rông.

Nhà Rông cháy, xây lại bằng bê tông cốt thép - 1

Nhà Rông Kon Mơ Nay Sơ lam I bị cháy rạng sáng 22/3/2008
 
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đều xem nhà Rông là biểu tượng đặc trưng của dân tộc mình. Mái nhà Rông dựng đứng, cao vút lên trời xanh như lưỡi búa dựng ngược, biểu tượng cho sức mạnh của mỗi dân tộc. Nhà Rông bao giờ cũng được xây dựng ở một vị trí cao, trang trọng nhất trong làng, xung quanh là nhà sàn của bà con, cho thấy ý nghĩa đoàn kết, thống nhất trong mỗi buôn làng, dân tộc. Nhà Rông còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong làng.

 

Nhà Rông quan trọng là vậy nên thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo khôi phục, nâng cấp và  xây dựng mới được gần 550 nhà Rông truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, với tổng kinh phí xây dựng trên 20 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng nhà Rông đều được thực hiện bằng con đường xã hội hoá, huy động từ nguồn lực đóng góp của người dân là chính.

 

Tuy nhiên, do một bộ phận người dân chưa ý thức hết vai trò và giá trị của nhà Rông nên chưa có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa đặc biệt này. Mặt khác, do tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, 6 tháng nắng liên tục và 6 tháng mưa liên tục, nên khi vào mùa nắng, những ngôi nhà Rông với cột gỗ, lợp tranh tre nứa lá… trở thành “miếng mồi ngon” cho thần lửa hoặc thần sét.
 
Nhà Rông cháy, xây lại bằng bê tông cốt thép - 2

Nhà Rông Kon Klor bị cháy lúc 15 giờ, ngày 9/5/2010

 

Thời gian qua đã có không ít nhà Rông bị thiêu rụi, đến nay chưa được khắc phục. Như nhà Rông làng Kon Mơ Nay Sơ lam 1 (phường Trường Chinh, TP Kon Tum) bị sét đánh cháy hồi tháng 3/2008, đến nay mới chỉ xây được bộ khung bê tông cốt thép của phần dưới; nhà Rông làng Kon Klor (phường Thắng Lợi – TP Kon Tum) bị cháy đã gần 5 tháng nay nhưng vẫn chưa có phương án khắc phục.

 

Nguyên nhân chủ yếu là việc tìm kiếm lá tranh để làm tấm lợp ngày càng khó. Việc vào rừng tìm cho được tối thiểu 8 cây trụ gỗ để làm phần dưới của nhà Rông còn khó hơn gấp bội.

 

Chính vì thế, một số nhà Rông ở Kon Tum sau khi bị cháy, người dân và chính quyền địa phương đành phải bê tông hoá các trụ cột và dầm sàn, thậm chí lợp tôn trắng…
 
Nhà Rông cháy, xây lại bằng bê tông cốt thép - 3
Nhà Rông Kon Sơ lam I đang đổ trụ bê tông

 

Đáng nói là những cố gắng khắc phục này đã làm mất đi cái hồn của nhà Rông. Còn nhớ năm 1992, Nhà nước bỏ kinh phí xây dựng một nhà Rông bề thế cho người Brâu ở làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện biên giới Ngọc Hồi, Kon Tum) nhưng bà con không dùng bởi một lẽ giản đơn: người dân không thích nhà Rông bằng bê tông cốt thép và lợp tôn!

 

Đại Hoà