1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà ở giá thấp vẫn hạn chế về đối tượng

(Dân trí) - Bên cạnh dự án nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua, Bộ Xây dựng đã đề xuất thêm phương án xây dựng nhà ở giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới. Vậy ai sẽ được mua nhà ở giá thấp này?

3 hình thức hỗ trợ nhà ở

Theo tờ trình Chính phủ của Bộ Xây dựng, các đối tượng có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở được Nhà nước hỗ trợ giải quyết nhà ở thông qua ba phương thức.
Nhà ở giá thấp vẫn hạn chế về đối tượng - 1
Đối tượng được mua nhà giá thấp rất hạn chế

Thứ nhất, được thuê nhà ở xã hội áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước và một số đối tượng khác thuộc diện thu nhập thấp theo quy định.

Đây là những người không thể có khả năng mua nhà, có thu nhập bình quân khoảng dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng, tương đương với 6 triệu đồng/hộ/tháng với gia đình có 4 người. Họ phải trả tiền thuê hàng tháng với giá cho thuê do Nhà nước quy định thông qua hợp đồng ký với bên cho thuê;

Đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội vẫn là những đối tượng chính sách như trên nhưng có mức thu nhập cao hơn khoảng trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Bên thuê mua phải trả trước 20% giá trị căn nhà theo mức giá do Nhà nước quy định, số tiền còn lại phải trả trong thời hạn 15-20 năm;

Ngoài hai hình thức trên, Bộ Xây dựng còn đề xuất thêm hình thức mua nhà ở giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới. Đây là hình thức nhà ở thương mại do doanh nghiệp tự quyết định nhưng nhà nước cũng có hỗ trợ về đất đai, về tín dụng và một số hình thức hỗ trợ khác nhưng có đối tượng được hưởng lợi cũng rất hạn chế.

Cụ thể là chỉ những người thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng chưa được giải quyết và các đối tượng thu nhập thấp khác thuộc các thành phần kinh tế do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. 

Mỗi hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu nhập thấp chỉ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hỗ trợ nhà ở 1 lần theo hình thức cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới.

Trường hợp mua nhà ở giá thấp thì người mua nhà phải làm đơn, có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc và chính quyền địa phương nơi cư trú về đối tượng và điều kiện nhà ở hiện có. Phương thức thanh toán có thể trả 1 lần hoặc nhiều lần do bên bán và bên mua thoả thuận.

Đặc biệt, người được mua nhà ở giá thấp chỉ được phép bán lại nhà ở đã được mua cho người khác sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Khi bán nhà ở cho người khác, bên bán phải nộp đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật, đồng thời phải nộp ngân sách nhà nước 70% tổng số tiền chênh lệch giữa giá bán nhà thực tế và giá mua ưu đãi đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Hi vọng sẽ có 10 nghìn căn nhà trong giai đoạn 2009-2010

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá bán nhà ở giá thấp do chủ đầu tư dự án xác định theo nguyên tắc bảo toàn vốn, giá bán nhà ở được tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng trong phạm vi dự án, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng (nếu có) và 10% lợi nhuận định mức. Giá bán phải được cơ quan có chức năng thực hiện việc thẩm định giá và UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với từng dự án.

Để tạo điều kiện về mặt thời gian, các doanh nghiệp sẽ tự xây và quyết định bán, sau đó nhà nước sẽ hậu kiểm. Người thu nhập thấp được nhà nước hỗ trợ về tài chính để mua nhà ở giá thấp thông qua hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, Quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có) hoặc hỗ trợ bù lãi suất theo quy định của Chính phủ.

Một trong những điểm đột phá trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội kể cả đối với nhà ở giá thấp đó là được giao đất “sạch”. Tuy nhiên, về vấn đề này, Thứ trưởng Nam giải thích rõ rằng: “Nhà nước có trách nhiệm tham gia vào việc này nhưng không phải là nhà nước phải giao. Doanh nghiệp có đất “sạch” thì tự làm và nếu nhà nước có đất “sạch” cũng sẽ giao cho các doanh nghiệp để làm nhà ở xã hội.”

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo vừa cấp bách nhưng cũng là một chủ trương rất lâu dài. Chính sách này không nhất thiết là các chủ đầu tư phải có dự án mới được làm nhưng trước mắt mục tiêu trong năm 2009 – 2010 phải xây được 10 nghìn căn hộ để làm mô hình thí điểm ở Hà Nội, TPHCM và hai tỉnh có nhiều công nhân ở Đồng Nai và Bình Dương.

“Vì thế để có thể triển khai ngay được các dự án trong năm 2009-2010, cần lựa chọn các doanh nghiệp đã có dự án, có quỹ đất.” -  Thứ trưởng nói. Đây có thể là niềm hy vọng của những người đang thực sự khó khăn về nhà ở.

Lan Hương