TPHCM:
Nhà máy xử lý nước thải… thiếu nước thải để xử lý!
(Dân trí) - Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (quận 12) có công suất giai đoạn 1 là hơn 130.000m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy chỉ hoạt động đạt từ 10-15% công suất vì thiếu nguồn nước dẫn về nhà máy.
Chiều 21/10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành đã đến thăm và làm việc tại nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát.
Nhà máy được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) do công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn lưu vực Tham Lương - Bến Cát gồm quận Gò Vấp, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh. Giai đoạn 1, nhà máy xây dựng trên khu vực rộng hơn 2ha, công suất hơn 130.000m2/ngày.
Được đưa vào vận hành từ cuối tháng 7, tuy nhiên nhà máy chỉ vận hành đạt 10-15% công suất. Nguyên nhân là do thiếu nguồn nước thải dẫn về nhà máy bởi hệ thống thu gom không đồng bộ.
Trong số các nguồn nước dẫn về nhà máy xử lý thì có nguồn từ dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Dự án tiêu thoát nước này sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, UBND TPHCM và WB đã đồng thuận kết thúc nguồn vốn đầu tư. Từ đó, dự án bị ngưng trệ vì… “khát vốn” và hệ lụy kéo theo là nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát thiếu nước thải để xử lý.
Ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM – cho biết bài toán lớn nhất của dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát là đón đầu. Nếu làm song hành với hệ thống thu nước có vốn của WB thì đảm bảo nguồn nước. Tuy nhiên, do ngân hàng này ngưng vốn nên dự án thu nước bị ngưng. Từ đó, nhà máy xây xong nhưng thiếu nước sử dụng.
Ông Sử Ngọc Anh cho biết các ngành chức năng của TP cũng lên nhiều kịch bản để có nguồn vốn triển khai dự án nhưng trước mắt là cần nhiều giải pháp đưa nguồn nước về nhà máy.
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc áp dụng công nghệ mới của nhà máy giúp tiết kiệm đất, chi phí vận hành. Việc đột phá về công nghệ mang lại tính cạnh tranh cao. Nhà máy cho ra nước sau xử lý đạt chất lượng loại A, trong khi các nhà máy trước đây chỉ cho ra nước loại B.
Bí thư Nhân chia sẻ khó khăn của dự án do nguồn vốn bị ngưng. Do đó, ông đề nghị chủ đầu tư báo cáo cụ thể tình hình trước ngày 30/10 để thành phố xem xét. Đồng thời, lưu ý lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục khó khăn.
Bí thư Nhân cũng gợi ý chủ đầu tư có thể tạm ứng 200 tỷ đồng để xây dựng dự án thu gom nước sau đó thành phố sẽ trả tiền mặt và lãi, trong trường hợp thành phố thiếu tiền ngân sách.
Ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý dù nhà máy vận hành chỉ đạt 10-15% công suất nhưng vẫn phải đo đạc, kiểm tra đánh giá chất lượng nguồn nước thải… để khẳng định hiệu quả của nhà máy.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho rằng để người dân yên tâm với chất lượng môi trường của nhà máy thì nên tổ chức cho người dân tham quan mỗi tháng một lần.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho giao thông ra vào nhà máy, Bí thư Nhân đề nghị các sở, ngành lưu ý về đề xuất nâng cấp, mở rộng tuyến đường Vườn Lài.
Quốc Anh