1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hậu Giang:

Nhà máy giấy Lee&Man không thể hoạt động nếu gây tổn hại đến người dân

(Dân trí) - "Không ai chấp nhận cho một doanh nghiệp hoạt động, sản xuất mà gây tổn hại đến người dân” - đó là khẳng định của ông Trần Phong – Cục trưởng Cục môi trường miền Nam khi đối thoại với người dân và ban ngành chức năng tỉnh Hậu Giang về Nhà máy Giấy Lee&Man...

Bỏ qua cơ hội khắc phục, sẽ phải trả giá đắt

Chiều 3/4, tại UBND thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã diễn ra buổi đối thoại trực tiếp giữa ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, Nhà máy Giấy Lee&Man với 30 hộ dân, về việc nhà máy giấy trong thời gian vận hành thử nghiệm đã gây tiếng ồn, bụi và cả mùi hôi...

Ông Trần phong - Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam tại buổi đối thoại với dân chiều 3/4
Ông Trần phong - Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam tại buổi đối thoại với dân chiều 3/4

Tại buổi đối thoại, bà Huỳnh Thị Bích Thuỷ, người dân sống gần nhà máy nêu thắc mắc: Khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư có an toàn chưa, nếu quá gần có ảnh hưởng đến cuộc sống ở đây hay không?

Ông Trần Phong – Cục trưởng Cục môi trường miền Nam cho biết, nhà máy có cam kết, trong quá trình vận hành các yếu tố như: tiếng ồn, độ rung, chất thải ra môi trường... phải đạt quy chuẩn đã quy định của Việt Nam. Nhưng nếu không may có rủi ro xảy ra thì những người ở gần sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết: “Tổ giám sát sẽ có mặt thường xuyên tại nhà máy để giám sát chặt chẽ các hoạt động. Tôi đề nghị nhà máy giấy cử người tiếp nhận thông tin phản ánh và trả lời người dân. Chúng tôi ủng hộ người dân cùng giám sát”.

Ngành chức năng đối thoại với dân sống gần nhà máy giấy Lee&Man

Bà Huỳnh Thị Bích Thủy cho rằng: Người dân ở đây không biết gì về khoa học, do đó, việc nhà máy cam kết đảm bảo môi trường, nhưng tốt hay không - người dân cũng không biết (!?) Vì vậy, khi chúng tôi phát hiện được sự cố môi trường, thì nhờ nhà khoa học đến lấy mẫu phân tích để góp tiếng nói, có được hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam cho biết: Được. Nhưng việc lấy mẫu phải do các cơ quan có chức năng trưng cầu, các đơn vị có khả năng kiểm định được cấp phép của nhà nước, có đủ năng lực kiểm định. Nếu không thực hiện đúng như vậy, thì kết quả chỉ có giá trị tham khảo cho cá nhân thôi chứ không giá trị pháp lý, vì không ai biết bà lấy mẫu ở đâu, có đại diện hay không, phương pháp phân tích ra sao?”, ông Phong cho biết.

Trước câu hỏi của báo chí bên lề buổi tiếp xúc, trong trường hợp đã cho công ty khắc phục sự cố, mà vẫn tiếp tục xảy ra ô nhiễm thì có bị đóng cửa hay không?

Ông Trần Phong nói: “Đóng cửa nhà máy là chuyện không ai mong muốn khi đã đầu tư rất nhiều. Vì thế, bản thân chủ đầu tư phải tự lo. Pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ. Qua những vụ việc về môi trường thì Bộ TN&MT đã thực hiện giám sát và yêu cầu rất nghiêm ngặt. Những ai tự bỏ qua cơ hội để tự khắc phục việc mình làm sai thì phải trả giá”.

Công ty phải công khai về thông tin hoạt động của mình!

Tại buổi đối thoại, ông Trần Phong cho biết: “Tôi chia sẻ với những bức xúc của người dân. Sau khi có phản ánh, tôi đã đến trực tiếp gặp dân để ghi nhận thì thấy nơi có mùi hôi, nơi không. Và đúng như bà con phản ánh, mùi hôi như mùi hầm cầu. Tôi đã làm việc với nhà máy giấy Lee&Man và yêu cầu cung cấp toàn bộ về thông tin vận hành”.


Các hộ dân sống gần nhà máy tham gia buổi đối thoại với ngành chức năng

Các hộ dân sống gần nhà máy tham gia buổi đối thoại với ngành chức năng

Ông Trần Phong cũng cho biết, nhà máy đã vận hành được 3 tuần và có một số khâu chưa ổn định. Cụ thể, bụi có thể phát sinh từ kho chứa than đá và trên công trình thi công. Tổ giám sát đã yêu cầu công ty lắp đặt hệ thống lưới và yêu cầu phải phun nước để xử lý và đến hiện tại thì tình trạng bụi không còn. Tiếng ồn xuất phát từ khu giải nhiệt nước làm mát hệ thống nhà máy nhiệt điện và do khâu vận hành ngưng hoạt động và hoạt động trở lại, thiết bị bảo trì. Công ty đã lắp đặt các tấm chắn che toàn bộ tường của hệ thống nước giải nhiệt và yêu cầu ban hành kế hoạch vận hành công khai cho người dân biết để chủ động được các yếu tố bất ngờ khi xảy ra tiếng ồn.

“Vấn đề lớn nhất mọi người đang quan tâm là mùi hôi. Trong nhà máy, có 4 khu vực phát sinh mùi hôi. Thứ nhất là nơi thu bùn về để đưa từ hệ thống xử lý nước thải ra hệ thống ép bùn. Thứ hai là nơi ép bùn, đóng bánh rớt xuống thành bùn khô. Thứ ba, từ hệ thống hiếu khí và thứ tư có thể khu vực đốt khí metan, khí dư”, ông Phong nói và cho biết: bốn khu vực này đã được tổ giám sát rà soát rất kỹ và công ty đã lên phương án khắc phục.

Ông Trần Phong- Cục trưởng cục Môi trường miền Nam đối thoại với dân sống gần nhà máy giấy chiều 3/4

Cũng theo ông Phong, trong quá trình vận hành thử nghiệm có thể xảy ra 1 số biến động mà khi thiết kế chưa ai lường trước được. “Vấn đề quan trọng là khi phát hiện phải xác minh đúng “bệnh” của nó nằm từ đâu và được giám sát chặt chẽ. Không ai mong muốn rủi ro môi trường xảy ra.

“Chúng tôi yêu cầu, công ty thực hiện đúng những cam kết khi được cấp phép vận hành thử nghiệm. Khi vận hành thử nghiệm có trở ngại thì phải giải quyết ngay, không để tồn đọng. Báo chí lo lắng cho người dân, chúng tôi còn lo nhiều hơn. Vì chúng tôi lo là tìm giải pháp đúng chứ không phải là lời nói”, ông Phong khẳng định.

Tại buổi đối thoại, ông Tống Hoàng Khôi, chủ tịch UBND huyện Châu Thanh đề nghị công ty Lee&man phải thực hiện đúng cam kết
Tại buổi đối thoại, ông Tống Hoàng Khôi, chủ tịch UBND huyện Châu Thanh đề nghị công ty Lee&man phải thực hiện đúng cam kết

Ông Trần Phong cũng đề nghị công ty cho người dân vào xem những vấn đề mà công ty hứa khắc phục. Công ty cũng phải công khai thông tin về hoạt động kỹ thuật với cơ quan chức năng và người dân.

Tại buổi tiếp xúc, ông Tống Hoàng Khôi – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cũng đề nghị, công ty phải thực hiện tốt cam kết đưa ra và lộ trình khắc phục xử lý mùi hôi. Đồng thời cam kết, tổ giám sát sẽ tiếp tục giám sát kỹ quá trình vận hành của nhà máy để đảm bảo không bị ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân.

Phạm Tâm