Nhà máy Dinh Cố sẽ phải đốt bỏ gas?
Người dân đang phải dùng gas giá cao, trong khi đó gas sản xuất trong nước lại đang dư thừa, không có bồn để chứa. Hiện Nhà máy Dinh Cố đang thừa khoảng 15.000 tấn gas. Tình trạng này kéo dài có khả năng gas sẽ bị đem đốt bỏ.
Bài toán bảy năm chưa... giải
Công ty Chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí (PV Gas - Petro VN) vừa giảm giá 20 USD/tấn gas. Ông Lê Xuân Trình, phó giám đốc PV Gas, cho biết giá gas thế giới tháng tư vẫn trong chiều hướng giảm nên nhiều khách hàng của PV Gas đã chịu phạt để bỏ hợp đồng mua gas tháng ba. Mỗi ngày Dinh Cố cho ra gần 1.000 tấn, kho chỉ chứa được 6.000 tấn.
Hiện Nhà máy Dinh Cố đang thừa khoảng 15.000 tấn gas. Vì thế công ty phải giảm giá thay vì đốt bỏ. Dinh Cố cũng đã cầu cứu các khách hàng của mình nhưng hầu hết lại không hưởng ứng.
Ngay cả Bộ Thương mại cũng nhìn nhận rằng cơ chế phân phối của Dinh Cố đang tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh của các DN và không phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. |
Thế nhưng thực tế diễn ra khác hẳn. Dinh Cố - mà trực tiếp là Công ty mẹ PV Gas - không những trở thành đối thủ cạnh tranh “khó chịu” của hầu hết các DN kinh doanh gas khác mà còn bị coi là kẻ “phá bĩnh” thị trường.
Theo thông lệ, để nhập khẩu gas thì các DN đã phải đàm phán và ký hợp đồng từ tháng trước. Khi mọi DN đều có kế hoạch kinh doanh của mình thì đùng một cái, Dinh Cố điều chỉnh giá khiến các DN lao đao.
Việc điều chỉnh này còn tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, theo hướng có lợi cho các DN là “người nhà” của Dinh Cố và bất lợi cho DN nhập khẩu gas. Với lợi thế là hàng sản xuất trong nước, giá bán của Dinh Cố luôn thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 5%).
Theo cơ chế phân phối hiện tại, Dinh Cố chủ yếu cung cấp cho “người nhà” là hai xí nghiệp bán lẻ của PV Gas, Công ty Thương mại dầu khí (Petechim - thuộc Petro VN), và hai liên doanh có vốn đầu tư của PV Gas là VT-Gas và Thăng Long Gas. Còn lại khoảng 15 DN khác được mua nhỏ giọt theo hạn ngạch do Dinh Cố tự áp đặt. Vẫn còn 40 DN khác chưa được mua gas trong nước.
Dinh Cố cũng không thông báo kế hoạch bán hàng hằng tháng rộng rãi đến từng DN và cũng không đưa ra qui định cụ thể về đối tượng nào được mua gas trong nước.
Cho không cũng không lấy!
“Làm sao nói chuyện cạnh tranh khi một bên được bao thầu toàn bộ nguồn gas giá rẻ trong nước, còn bên kia phải gò lưng đi nhập khẩu về bán” - lãnh đạo một DN lắc đầu.
Theo ông, đã nhiều năm rồi các DN kiến nghị cơ chế phân phối gas của Dinh Cố nên dựa trên cơ sở đấu thầu công khai hằng tháng, hằng quí hoặc nửa năm một lần nhưng vẫn chưa “thủng” PV Gas.
“Chúng tôi cũng đề đạt cả việc này lên đến Bộ Tài chính nhưng vẫn không ăn thua” - ông nói. Theo ông, các DN cũng đã yêu cầu Dinh Cố phải dựa trên sản lượng tiêu thụ của từng DN để tính tỉ lệ từng DN được mua nhằm dung hòa giữa chi phí mua gas trong nước và chi phí nhập khẩu.
Chính vì từ lâu “cơm không lành, canh không ngọt”, nhiều DN tỏ ra không mặn mà trong việc “giúp đỡ” Dinh Cố giải quyết số lượng gas dư thừa. “Không lẽ chúng tôi bỏ hợp đồng nhập khẩu để mua gas Dinh Cố?”. Giám đốc một DN tư nhân thì nói “chỉ đồng ý cho Dinh Cố mượn tạm kho để chứa gas với điều kiện họ bán cho chúng tôi với mức giá thế giới chốt vào cuối tháng ba này”.
Các DN cho biết các đợt giảm giá giữa tháng của Dinh Cố thường được xem là “giải pháp chữa cháy tình thế” để đẩy sức mua nên “không bao giờ đến tay người tiêu dùng”. Nguyên nhân là do các đại lý thường ém đi thông tin giảm giá, vẫn bán theo giá cũ để kiếm lời cao hơn.
Ông Hoàng Anh, giám đốc Công ty gas Petrolimex khu vực phía Nam, cho biết một trong những chính sách các DN kinh doanh gas đang hướng đến là nếu phải giảm giá vào giữa tháng thì sẽ điều chỉnh mặt bằng giá đồng bộ, tức dung hòa lợi ích giữa các đại lý và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các DN chỉ có thể làm được điều này khi thông báo rộng rãi về việc giảm giá (giữa tháng) đến người tiêu dùng. Xem ra người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi từ sự có mặt của Dinh Cố, nếu việc kinh doanh gas được công khai, rõ ràng và tuân thủ luật chơi sòng phẳng của thị trường.
Theo Như Hằng
Báo Tuổi trẻ