Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm: “Công trình điểm đến cho tương lai”
(Dân trí) - Kỳ họp bất thường HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Ngày 8/10, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) để cho ý kiến về một số tờ trình của UBND TPHCM, trong đó đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ. Dự kiến, thời gian thực hiện từ 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, với vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học, văn hóa, TPHCM cần những công trình văn hóa xứng tầm.
Trước đây, thành phố có 3 nhà hát là Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Nhà hát TP còn giá trị nhà hát đúng nghĩa.
Sau giải phóng, thành phố đầu tư xây dựng nhà hát Hòa Bình, Bến Thành nhưng đã xuống cấp không đạt tiêu chuẩn để tổ chức biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế.
Lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây cũng là công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.
Tán thành với đề xuất của UBND TP, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết công trình Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch được thành phố ấp ủ và cử tri trông đợi.
Theo ông, đây là công trình nghệ thuật chuyên ngành đánh dấu điểm hút, điểm đến cho tương lai. Hiện nay các nhà hát không đáp ứng được yêu cầu vì xuống cấp.
Nhân dịp này, ông Khuê cho rằng thành phố cần có công trình phục vụ văn hóa nghệ thuật thứ hai là nhà hát cải lương, bởi TPHCM và khu vực phía Nam là “thánh địa” của bộ môn cải lương.
Sở dĩ ông Khuê đề xuất vấn đề này là bởi nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mới được xây dựng bị hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu biểu diễn. “Đây cũng là sự gửi gắm, trông chờ của nghệ sĩ thành phố”, ông Khuê nói.
Trong khi đó, nghệ sĩ cải lương Quế Trân – đại biểu HĐND TP – chia sẻ, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không đảm bảo chất lượng cho các vở diễn quy mô. Điều này thể hiện rõ trong hội diễn văn nghệ toàn quốc mới đây. “Vở diễn tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không chất lượng, quy mô bằng vở diễn do một đơn vị khác tổ chức tại nhà hát Hòa Bình”, nghệ sĩ Quế Trân nói.
Do đó, bên cạnh việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, nghệ sĩ Quế Trân hy vọng thành phố có kế hoạch xây dựng nhà hát cải lương mới để khắc phục những hạn chế của nhà hát Trần Hữu Trang. Điều này cũng thể hiện được bộ mặt của thành phố là nơi đào tạo các lớp nghệ sĩ tài năng.
Chia sẻ với tâm tư của đại biểu, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, người dân thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất yêu cải lương.
“Nhà hát Trần Hữu Trang là bài học của HĐND TP – thông qua chủ trương đầu tư nhưng giám sát không tốt, xây dựng rồi lại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, bà Tâm nói.
Theo bà, thành phố rất quan tâm đến cải lương, tạo điều kiện xây dựng sân khấu để phát huy nghệ thuật truyền thống nhưng chưa làm được. Trong tương lai, thành phố sẽ chủ trương xây dựng nhà hát cải lương đúng tầm.
Lo ngại Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch đi theo “vết xe đổ” của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến về quy mô, chức năng và giá trị sử dụng của công trình trị giá 1.500 tỷ đồng.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng người dân rất quan tâm đến việc sau này nhà hát giao hưởng có thành nhà hát đa năng hay không? Nếu là nhà hát đa năng thì khán phòng 1.200 chỗ có phù hợp hay không?
Trong khi đó, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết loại hình nhạc giao hưởng rất kén khán giả. Do đó, cần phải có kế hoạch sử dụng nhà hát hiệu quả. Ông đề xuất xem xét phổ biến kiến thức loại hình nghệ thuật này đến các tầng lớp nhân dân, để tạo nguồn khán giả sau này.
Ông Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP cho biết hiện nay các đoàn nghệ thuật gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và biểu diễn bởi hạn chế về địa điểm. Nhà hát TP hiện nay chưa tới 500 chỗ ngồi.
“Còn nhà hát Hòa Bình xây năm 1985 đã xuống cấp trầm trọng. Nhà hát Bến Thành thì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đây chỉ là rạp biểu diễn nghệ thuật. Thành phố thực sự đang thiếu nhà hát”, ông Thạch nói.
Theo ông, hiện nay TPHCM đang xây dựng các bộ môn nghệ thuật quốc tế, tác phẩm nhạc kịch Việt Nam. Nhà hát tại Thủ Thiêm cũng giúp thành phố phát triển những bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp và bước lên tầm cao mới phát triển nghệ thuật.
Trong đó, khán phòng 1.200 chỗ ngồi sẽ phục vụ các vở diễn lớn, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn cao. Khán phòng 500 chỗ, ngoài phục vụ biểu diễn sẽ làm phòng thu. Ngoài ra, ngoài tiền sảnh sẽ làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn phục vụ khán giả.
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết sẽ mời các nhà kiến trúc liên quan đến mảng nghệ thuật tham gia vào hội đồng thi tuyển quốc tế để đảm bảo thiết kế, xây dựng nhà hát đảm bảo đạt chuẩn quốc tế.
Cũng theo ông Nhân, thành phố chủ trương đầu tư 47 tỷ đồng mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ biểu diễn ca nhạc nghệ thuật nhưng ông lo ngại bảo quản như thế nào. Do đó, Nhà hát mới tại Thủ Thiêm được trông mong giải quyết mối lo này.
Quốc Anh