1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Nhà chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ lại “ầm ĩ”

(Dân trí) - Tối 4/4, sự kiện cải tạo nhà chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ một lần nữa “ầm ĩ” trở lại khi Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiêm trưởng ban chỉ đạo Dự án nhà B6 cùng Chủ tịch phường Giảng Võ đã có cuộc họp với hơn 100 người dân trong khu tập thể bàn lại dự án này.

>> Khẩn cấp di dân khỏi nhà B6 Giảng Võ

Vì sao có những văn bản “đi đêm”? 

Không khí cuộc họp căng thẳng ngay từ phút đầu khi Chủ tịch phường Giảng Võ khai mạc cuộc họp hơi dài dòng nên bị người dân la ó, yêu cầu rời diễn đàn. Nhiều ý kiến yêu cầu dân cử đại diện lên làm thư kí, ghi chép lại nội dung cuộc họp; rút kinh nghiệm thời gian qua nhiều văn bản, biên bản họp hành bị làm giả chữ kí, giả ý kiến “đồng thuận” rồi được gửi lên thành phố, các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng.

 

Ông Nguyễn Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận, trưởng ban chỉ đạo “Dự án nhà B6 - Giảng Võ” đã chấp thuận yêu cầu này. Ông Bình nhấn mạnh: Nhà B6 được cơ quan kiểm định đánh giá đã xuống cấp ở mức độ D (tối nguy hiểm), không đảm bảo an toàn cho người dân. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, mà đại diện là quận và thành phố, phải cải tạo, sửa chữa lại và di dời dân đến nơi ở an toàn.

 

Phía chính quyền tỏ ra sốt ruột, mong muốn đẩy nhanh kế hoạch cải tạo dự án nhưng phía người dân thì ngược lại. Đại diện cho hơn 100 hộ dân, ông Nguyễn Thiệp, giáo viên về hưu, nhấn mạnh vào sự thiếu tôn trọng nhân dân khu chung cư B6 của cả chủ đầu tư là Công ty ICT và phía chính quyền.

 

Khu tập thể nhà B6 được người dân mua theo Nghị định 61 của Chính phủ, có sổ đỏ và hoàn thành các nghĩa vụ thuế với nhà nước. Vì vậy, nhà đầu tư muốn cải tạo hay xây dựng lại phải có sự đồng ý của người dân. Vậy mà suốt 3 năm qua, người dân chưa từng được tham gia cuộc họp nào của chính quyền quận, phường và nhà đầu tư, để được bàn và góp ý kiến về dự án này. Chính vì thế, dự án này không hợp lòng dân.

 

Trong khi đó, đã có không ít văn bản báo cáo từ phường, quận gửi lên thành phố với nội dung phần lớn người dân đều tán thành dự án trên. Thậm chí có cả những đơn thư mạo chữ kí của hàng chục người dân, giả mạo chức danh khi tiếp nhà báo, mạo nhận là “đại diện nhân dân” để có ý kiến với chính quyền.

 

Có thật là vì dân?

 

Hơn một trăm người dân có mặt tại cuộc họp tối 4/4 đều ủng hộ việc cải tạo nhà B6 nhưng họ phản đối gay gắt cách thức triển khai dự án vì thấy có quá nhiều khuất tất. Trước hết là sự thiếu dân chủ. Dân cũng muốn làm rõ: việc đòi di dời gấp 100 hộ dân nhà B6 có thật là vì “sự an nguy của dân”?

 

Nhiều người dân thắc mắc: các khu nhà C1 Thành Công, C5, E5, E6 Quỳnh Mai cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, người dân ở đó đang kêu cứu, mong được di dời, sao không thấy nhà đầu tư nào quan tâm? Tại sao cứ “đè” nhà B6 ra đập, có phải vì khu nhà này ở vị trí đẹp, là “miếng mồi ngon” của các nhà đầu tư nên họ quyết đẩy dân đi để kiếm lời?

 

Người dân cũng nghi ngờ, liệu cái “mác” nhà nguy hiểm loại D có thực sự là một kết luận chính xác, khách quan?

 

Họ lấy dẫn chứng khu nhà A6 - Giảng Võ, sau khi được làm mới, nhà các hộ dân bị co hẹp, khu nhà dôi ra 18 căn hộ, các nhà đầu tư kiếm được bộn tiền. Điều này có thật là “vì dân”!

 

Một vấn đề khác cũng được dân rất quan tâm là chất lượng cuộc sống nơi tái định cư.

 

Việc xây dựng, cải tạo những khu nhà tập thể cũ cho người dân là một chủ trương đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền phải lo trước cái lo của dân về điều kiện tạm cư và triển khai sao cho minh bạch, dân chủ để dân tin, dân ủng hộ.

 

Đức Minh