"Nhà cho người thu nhập thấp, nhà tái định cư chỉ để làm giàu cho cán bộ!"
"Vì đơn giản, ở dạng công trình này, các bên có ăn nhiều hơn" - Ông Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội xây dựng VN, xót xa than thở và nêu giải pháp: Tại sao không mua nhà chung cư xây dựng tốt bán cho dân tái định cư hoặc giảm giá bán nhà tốt cho người có thu nhập thấp?
Tổng hội Xây dựng VN vừa công bố danh sách các công trình xây dựng bị thất thoát, việc này có phải là một biện pháp kìm hãm sự phát triển của căn bệnh trầm kha mà nhiều năm qua dư luận rất bức xúc?
Ông Phạm Sĩ Liêm: Tôi nói thẳng, việc thống kê này không mong tạo ra một sự chuyển biến nào, dù là nhỏ đối với thảm cảnh thất thoát trong các công trình xây dựng hiện nay. Tôi chỉ dám hy vọng việc này đánh động đến các cấp thẩm quyền, lương tâm của các doanh nghiệp về việc thất thoát ở các công trình xây dựng trong nhiều năm qua.
Các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước có phải là dạng công trình có tỉ lệ thất thoát nhiều nhất?
Nói vậy cũng đúng nhưng không phải 100%. Vì cũng có những công trình xây dựng bằng ngân sách Nhà nước như xây trụ sở tỉnh ủy, UBND tỉnh thì chẳng doanh nghiệp địa phương nào dám làm ẩu.
Các cọc móng nhà A2 Kim Giang (Hà Nội) bị rút một nửa số thép vừa bị phát hiện, đây có phải là tình cảnh chung của nhà tái định cư hiện nay?
Ngay từ đầu, tổng hội cũng như bản thân tôi đã phản đối kịch liệt việc xây nhà tái định cư cho dân. Một thị trường mà người mua không có quyền được lựa chọn món hàng thì làm sao có thể công bằng được. Vấn đề hiển nhiên như vậy, mà từ nhiều năm nay từ Nam chí Bắc cứ nhắm mắt làm bởi vì ở dạng công trình này, các bên “có ăn” nhiều hơn. Tại sao các địa phương không mua các nhà chung cư mới, được làm tốt để bán cho dân. Nói chuyện nhà cho người thu nhập thấp cũng vậy, theo tôi nên dẹp cái chủ trương này. Nếu có thì phải hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc giảm giá bán nhà tốt để dân mua. Nói toẹt ra, nhà cho người thu nhập thấp hiện nay chỉ để làm giàu cho cán bộ.
Nhiều người cho rằng tỉ lệ thất thoát trong xây dựng là 30%, ý kiến khác cho là ít hơn nhưng không ít ý kiến lại khẳng định nhiều hơn thế, theo ông là bao nhiêu?
Nếu nói công trình mà bớt xén đến 20% giá trị thì cũng là điều khó xảy ra nhưng ở một vài hạng mục thì điều này có thể, thậm chí có thể cao hơn rất nhiều. Về việc giá mời thầu cao vọt lên thường rơi vào các công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vì khi lập dự toán tiền khả thi đến khả thi thường khác so với thực tế.
Theo ông, phải làm gì để chống thất thoát trong xây dựng?
Muốn chống thất thoát trong xây dựng, nói cách khác là chống tham nhũng trong các công trình xây dựng phải có chiến lược dài hạn, với các mục tiêu, biện pháp cụ thể cho từng giai đoạn.
Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị cần thiết phải có một chiến lược chống thất thoát trong xây dựng nhưng chẳng thấy ai đả động. Việc chống thất thoát phải trên 3 mặt trận: chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Thiếu một trong 3 yếu tố trên cũng là công cốc.
Việc giảm thiểu tham nhũng trong công trình xây dựng triệt để phải do chính thị trường quyết định, doanh nghiệp gian dối sẽ không thể tồn tại, có điều VN vẫn đang ở ngưỡng cửa của một thị trường xây dựng lành mạnh đích thực.
Vậy xem ra không có cách chống thất thoát trong xây dựng ở nước ta?
Đúng là trong cơ chế này chúng ta phải thừa nhận việc có thất thoát trong xây dựng như việc sống chung với lũ. Thôi thì mỗi ông ăn một kiểu, ông phụ trách vật tư ăn vật tư, ông lo thủ tục ăn thủ tục, ông chi duyệt ăn kiểu chi duyệt... Người nhận “lễ” không phải lúc nào cũng ra giá nhưng ai không “tự hiểu” giá thì cứ ngồi đợi, kể cả việc nhỏ như ra UBND phường xin dấu. Nhiều người cứ đổ cho thất thoát là do thủ tục, cơ chế nhưng thực chất là tham nhũng vì chẳng ai chịu ký, duyệt bất cứ điều gì mà chưa có “lễ”.
Nếu được làm một việc duy nhất để chống thất thoát trong xây dựng ông sẽ làm gì?
Nếu được chọn một điều duy nhất, theo tôi việc chúng ta phải làm trước tiên là vấn đề gắn trách nhiệm. Cụ thể ở đây là công trình nào bị thất thoát, kém hiệu quả, chất lượng kém thì người chủ dự án phải chịu trách nhiệm. Công trình của xã, chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm; của quận, huyện, chủ tịch quận huyện phải chịu trách nhiệm... Chứ không có kiểu khi công trình sai phạm lại đổ quanh nhau theo kiểu “cha chung không ai khóc”.
Theo Thế Dũng
Người lao động