Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp và những đóng góp mang dấu ấn lịch sử
(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp, ngày 22/12, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội thảo khoa học "Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp - những đóng góp mang dấu ấn lịch sử".
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều bài tham luận với nội dung: Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp - Người yêu nước, thương dân, một nhân cách lớn; Dương Kỳ Hiệp - nhà lãnh đạo cách mạng chân chính, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, tất cả vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; Nhà cách mạng lão thành Dương Kỳ Hiệp - tài, đức vẹn toàn; nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp - tư tưởng chỉ đạo, những đóng góp có ý nghĩa đối với lực lượng quân sự tỉnh Sóc Trăng trong những năm đầu mới thành lập; Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp - nhân cách lớn tỏa sáng cho đời sau…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng, quê hương Sóc Trăng tự hào vì có nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp. Cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với những chặng đường đầy cam go, thử thách của cách mạng Việt Nam. Nhưng với ý chí bất khuất, khát vọng cống hiến, cùng với bản lĩnh, tư duy chính trị nhạy bén, phát huy tinh thần đoàn kết, quy tụ các tầng lớp, giai cấp, ông đã trở thành người đứng đầu, người chỉ huy của tỉnh Sóc Trăng trong những tháng năm đấu tranh giành chính quyền và thiết lập, xây dựng chính quyền cách mạng mới.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp được Đảng giao nhiều trọng trách, nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở các tỉnh Tây Nam Bộ và ở một số Bộ, ngành Trung ương. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thực hiện nhiệm vụ gì, trọng trách to lớn tới đâu, ông vẫn luôn phát huy tinh thần tiên phong của người đảng viên, gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi với đồng bào, đồng chí, không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, hết lòng vì Đảng, vì nhân dân, vì đồng bào miền Nam.
Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp sinh năm 1911 trong một gia đình trung nông, tại làng Ôi Lôi, quận Châu Thành (nay là xã Trường Khánh, huyện Long Phú) tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1930, ông hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn là học sinh ở Sài Gòn. Tháng 3/1945, ông là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; tháng 8/1945, ông lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền thành công tại Sóc Trăng. Ông cũng từng được điều động đi những địa bàn chiến lược như làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh: Cần thơ, Bạc Liêu…
Sau năm 1954, ông Dương Kỳ Hiệp cùng gia đình tập kết ra Bắc, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1975, ông về tiếp quản Sài Gòn sau ngày giải phóng, là Ủy viên Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Năm 1977, ông nghỉ hưu và mất năm 2000 tại TPHCM, được con cháu đưa về an táng tại quê nhà ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Tại hội thảo, ông Lâm Tấn Hòa - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng - ghi nhận và cảm ơn các tỉnh ủy, thành ủy, đơn vị, cá nhân... có bài tham luận về nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp. Thông qua các bài tham luận và các ý kiến tại hội thảo đã cung cấp nhiều tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò, công lao và những cống hiến to lớn của nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung, của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu... nói riêng.