Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6:
Nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên Hiệp Quốc
(Dân trí) - Nhà báo Khuông Việt (1917-1978), ký giả của tuần báo <i>Công chúng</i> xuất bản ở Sài Gòn, là nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Tên khai sinh của nhà báo Khuông Việt là Lý Vĩnh Khuông, quê ở Bãi Xàu (nay là huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Ông bước chân vào làng báo đầu những năm 1940, khi còn đang làm trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp. Năm 1941, ông viết cho tạp chí Tri Tân ở Hà Nội. Năm 1942, ông thường xuyên viết cho tờ Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tạp chí ở Sài Gòn. Khuông Việt còn được Hội khuyến học Nam Kỳ trao tặng giải thưởng văn học cho tác phẩm nghiên cứu lịch sử nhan đề Tôn Thọ Tường. Một năm sau (1943), Khuông Việt chuyển sang cộng tác cho tuần báo Thanh Niên.
Ông đã từng giữ cương vị Tổng thư ký các tổ chức như: Hội truyền bá ngữ Nam Kỳ, Uỷ ban cứu trợ miền Bắc Đông Dương (sau nạn đói năm 1945), Liên đoàn công chức (từ tháng 4/1945)…
Năm 1948, ông được Liên đoàn S10 cử sang Pháp với tư cách là đại biểu đi dự Đại hội lần thứ 40 của Đảng Xã hội Pháp, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp phiên thường kỳ, có sự theo dõi của nhiều đặc phái viên các tờ báo lớn trên thế giới.
Nhờ năng lực và sự thông minh, ông đã được cấp thẻ báo chí của Liên Hiệp Quốc, đề ngày 19/9/1948, với tư cách là ký giả Báo Công chúng, mặc dù trên thực tế tờ Công chúng đã đình bản từ sau ngày 6/8/1948. Trên tấm thẻ báo chí đặc biệt này có in biểu trưng của Liên Hiệp Quốc, người ta đã phiên âm tên của ông thành Ly Vinh Khuôn, và tên tờ báo thành Công-Ching.
Sau Đại hội Đảng Xã hội Pháp và Hội nghị thường kỳ của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhà báo Khuông Việt vẫn ở lại Paris, thường xuyên viết bài, đưa tin cho các tờ báo ở Sài Gòn. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, ông đã mạnh mẽ lên án chủ nghĩa thực dân, gây ra xung đột với cánh hữu trong Đảng này. Thực dân Pháp dọa sẽ “làm thịt” ông khi ông trở về nước.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, nhà báo Khuông Việt mới trở về Sài Gòn và bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ một thời gian ngắn.
Khoản nhuận bút đầu tiên ở nước ta
Tác giả đầu tiên lĩnh nhuận bút trong lịch sử nước ta là ông Nguyễn Hãng. Ông là người Phú Thọ (nay thuộc Vĩnh Phúc), đỗ Hương Tiến năm Hồng Thuận (đầu thế kỷ thứ 16).
Lúc đó ở trấn Tuyên Quang có anh em Vũ Uyên, Vũ Mật nổi dậy chống lại nhà Mạc, chiêu dân lập ấp, dựng thành Đại Đồng để tính kế lâu dài. Nghe danh Nguyễn Hãng văn hay chữ tốt, Vũ Mật mời ông lên “tham quan” căn cứ và nhờ ông làm một bài phú miêu tả “phong cảnh Đại Đồng” theo thể Quốc âm.
Bài phú đặc biệt hay, khỏi cần biên tập. Vũ Mật rất ca ngợi và chi ngay một thúng tiền nhỏ đựng khoảng vài nghìn lạng bạc để… làm tiền “nhuận bút”. Có lẽ, đó là khoản nhuận bút đầu tiên ở nước ta.
Nguyễn Trung Thành
(Sưu tầm và biên soạn)