Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trăn trở với sự phát triển của quê hương
(Dân trí) - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ chăm lo cho sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc, ông còn rất trăn trở, nặng lòng với sự phát triển đi lên của xứ Thanh.
Trăn trở về quê hương
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt vẫn nhớ như in những lần được gặp và làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ấn tượng của ông về nguyên Tổng Bí thư đó là dù khi đương chức hay lúc đã nghỉ hưu, nguyên Tổng Bí thư luôn dõi theo và dành tình cảm sâu nặng với quê hương bằng sự quan tâm thiết thực.
“Tôi vinh dự được nhiều lần gặp và làm việc với bác Phiêu. Lần nào bác cũng khiến tôi ấn tượng. Lần đầu tiên vào năm 1997, tôi được tháp tùng bác Phiêu đến thăm và tặng quà cho gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ ở huyện Đông Sơn. Lúc đó bác đang thường trực Bộ chính trị. Một con người dù ở vị trí như vậy nhưng rất gần gũi, dung dị, đúng chất của người lính, chất của bộ đội cụ Hồ”.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt vẫn nhớ câu chuyện về sự gợi ý trong phát triển kinh tế của nguyên Tổng Bí thư khiến ông thực hiện và thành công khi đang đảm nhiệm chức Bí thư huyện ủy Đông Sơn vào năm 2002.
“Khi tôi được điều động về làm Bí thư huyện ủy Đông Sơn, có hai nhiệm vụ mà Bí thư Tỉnh ủy giao, đó là tăng diện tích lúa lai, tăng diện tích vụ đông. Trong một lần được đón bác Phiêu về thăm. Sau khi tiếp xúc với bác, được bác gợi ý nhiều cách để phát triển kinh tế ở vùng đất Đông Sơn này. Bác nói không phải cứ nhất nhất trồng lúa, trồng ngô. Bác nêu ra cánh đồng Mê Linh, có hơn 300 ha, mà hơn 200 ha người ta đã trồng hồng xuất khẩu, trồng hành tây, giá trị của 1 ha là 200 triệu đồng.
Sau khi nghe câu chuyện của bác, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học. Đông Sơn vẫn cố gắng nghiên cứu sinh hóa thổ nhưỡng, chỗ nào trồng lúa được, còn lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hay thay vì chuyện trồng ngô mà thu hoạch lỗ vốn, khuyến khích người dân phát triển dạy nghề; phát triển xuất khẩu lao động.” – ông Vương Văn Việt kể lại.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, tất cả các sự kiện lớn của Thanh Hóa đều có mặt nguyên Tổng Bí thư. Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư thường xuyên gọi về hỏi thăm, nắm bắt tình hình, động viên, cổ vũ cán bộ, lãnh đạo của quê hương.
Được gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư nhiều lần khi còn đương chức, bà Nguyễn Thị Miện, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những lần gặp gỡ thân mật hay làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh nhà, nguyên Tổng Bí thư đều gợi mở nhiều vấn đề lớn để Thanh Hóa phát triển cả 3 vùng miền.
Đối với khu vực miền núi vốn nghèo khó, nguyên Tổng Bí thư định hướng Thanh Hóa nên khai thác tiềm năng, thế mạnh từ vốn rừng sẵn có, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rừng. Muốn cho các huyện miền núi tiến kịp miền xuôi thì phải quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Đối với khu vực vùng biển, nên phát triển đánh bắt xa bờ mới cho hiệu quả cao và phải quan tâm đào tạo đội ngũ ngư dân có trình độ, có kỹ thuật, không để tình trạng “cha dìu con đi biển như xưa được”. Với khu vực đồng bằng, nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh người dân không thể chỉ sống bằng cây lúa mà phải phát triển cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn, phát triển công nghiệp và sản xuất hàng hóa…”.
Lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm ghi lại thời gian bác Phiêu về thăm vùng đất mía đường Lam Sơn, Anh hùng lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị- Công ty CP mía đường Lam Sơn không khỏi bùi ngùi.
Anh hùng lao động Lê Văn Tam nhớ lần đầu tiên ông Phiêu về thăm vào năm 1994, khi mới được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, đến thăm vùng mía Lam Sơn, khi ấy nhà máy đang vào vụ ép. Đi dọc đường, ngồi trên xe nhìn thấy bà con nông dân đang thu hoạch mía ven đường, ông nói: "Dừng xe lại để tớ xuống thăm bà con tý".
Qua hỏi thăm bà con, biết được thu nhập của bà con còn thấp, ông nhắc nhở ông Tam phải làm sao để tăng giá mía cho bà con. Bên cạnh đó, phải cải tiến công nghệ máy móc giúp cho việc thu hoạch mía của bà con bớt nặng nhọc. Ông căn dặn bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm để cây mía là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu cho nông dân trên chính vùng đất quê hương.
"Sau khi trò chuyện với nông dân trồng mía, khi trên xe trở về nhà máy, bác Phiêu đã gợi mở cho tôi về việc xây dựng mô hình liên kết các nhà “Nhà máy – nhà nông – nhà trí thức” để phát triển Nhà máy mía đường Lam Sơn thành đơn vị dẫn đầu ngành mía đường trong cả nước", ông Tam kể.
“Phải quan tâm phát triển Đảng viên”
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Miện, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà. Điều này không chỉ thể hiện vai trò của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là tình cảm, trách nhiệm của một người con đối với quê hương.
Bà Miện chia sẻ: “Mỗi lần về thăm quê và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đều căn dặn “Cán bộ, Đảng viên, nhân dân Thanh Hóa phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân. Bởi đoàn kết là sức mạnh để giúp nhau cùng phát triển, nếu không đoàn kết sẽ không làm được gì”.
Trong công tác cán bộ, bác thường nhắc nhở: “Cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã phải nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều; cán bộ phải làm gương cho Đảng viên, Đảng viên làm gương cho nhân dân. Cán bộ phải thực sự là công bộc của dân, phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân. Nếu cán bộ cùng dân bàn bạc, giải quyết thì mọi việc đều thành công”.
Đối với công tác phát triển Đảng viên, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lưu ý rằng “Thanh Hóa phải quan tâm phát triển Đảng viên trí thức, Đảng viên trẻ, Đảng viên nữ, Đảng viên người dân tộc có nhiều thành tích trong hoạt động và công tác. Nếu không quan tâm đến vấn đề này, Đảng ta sẽ ngày càng già đi”.