1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ký ức về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của "cô nuôi" Trị - Thiên

Hoàng Lam

(Dân trí) - “Anh Phiêu dễ tính lắm, nấu như thế nào cũng ăn, chả bao giờ chê bai. Món anh thích ăn nhất là cơm nguội rang với mỡ cừu”, bà Thái Thị Thành nhớ lại.

Ký ức về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của cô nuôi Trị - Thiên - 1

Ông Trần Văn Ân - Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị - Thiên (ngoài cùng bên trái), ông Lê Khả Phiêu (ngoài cùng bên phải) - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị -Thiên và vợ chồng bà Thái Thị Thành lúc ở chiến trường.

Sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khiến vợ chồng bà Thái Thị Thành, ông Trần Ngọc Phan (Thanh Trì, Hà Nội) không khỏi bàng hoàng, tiếc thương. Với cá nhân bà Thành, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là người thủ trưởng mẫu mực mà còn là người có “ơn sâu, nghĩa nặng”.

“Nếu không có anh Phiêu, vợ chồng tôi sẽ không có ngày hôm nay”, bà nói.

16 tuổi, cô gái Phong Điền (Thừa Thiên Huế) lên rừng đi theo cách mạng. Cô gái nhỏ một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, tháo vát. Thành được tổ chức phân công nhiệm vụ thu mua quân lương, gạo, muối, thuốc men từ đồng bằng lên chiến khu.

“Năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn hết sức ác liệt. Cuối năm đó, tôi được phân công nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ các thủ trưởng của Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên, trong đó có anh Phiêu với lời dặn dò “phải nấu sao cho các thủ trưởng ăn hết suất cơm của mình, có sức để lãnh đạo bộ đội đánh thắng giặc Mỹ”, bà Thành nhớ lại.

Ký ức về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của cô nuôi Trị - Thiên - 2

Sau 17 năm, bà Thái Thị Thành mới được gặp lại người thủ trưởng của mình. Lúc này ông Lê Khả Phiêu đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và trong Đảng. Bức ảnh ghi lại cuộc trùng phùng sau gần 20 năm giữa thủ trưởng và cô nuôi quân hiện được bà Thành lưu giữ cẩn thận.

Từ đó, Thành trở thành “cô nuôi” cho 5 thủ trưởng của Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên, trong đó có thủ trưởng Lê Khả Phiêu - Phó Chủ nhiệm Chính trị. Một gian bếp nhỏ được dựng gần khu nhà ở và làm việc của các thủ trưởng, đó là nơi làm việc mới của Thái Thị Thành. Những lúc rảnh rỗi, các cần vụ của thủ trưởng sẽ giúp cô lấy nước, chẻ củi.

“Thực ra bữa ăn của các thủ trưởng cũng không có gì đâu. Chủ yếu vẫn là thịt hộp, tôm khô từ ngoài Bắc chuyển vào, rau môn thục. Hôm nào anh em cải thiện được con thú rừng thì bữa đó các thủ trưởng có bữa tươi. Sau này anh em tăng gia nuôi gà, lợn, cuốc đất trồng rau thì khẩu phần của các thủ trưởng có khá hơn trước”, “cô nuôi” chia sẻ.

Có hôm, công việc chính sự căng thẳng, các thủ trưởng bỏ bữa hoặc ăn lấy lệ, Thành lo lắng lắm. Trong rừng sâu, thiếu thốn đủ bề, thức ăn khan hiếm, Thành phải vắt óc suy nghĩ chế biến như thế nào để thay đổi khẩu vị cho các thủ trưởng. Tùy tình hình, có hôm Thành nấu cơm, có hôm nấu cháo, hôm lại kỳ cạch ngâm gạo xay bột tráng bánh. Nhìn đĩa bánh tráng trắng tinh, các thủ trưởng ngạc nhiên lắm.

Bà Thành kể tiếp: “Các thủ trưởng không kén ăn đâu, cũng không chê bao giờ. Riêng anh Phiêu thì rất thích ăn cơm rang với mỡ cừu. Hôm nào anh đi công tác về muộn, cận vệ kiếm đâu được ít mỡ cừu, tôi lấy cơm nguội rang lên, anh ăn rất ngon miệng”.

Ký ức về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của cô nuôi Trị - Thiên - 3

Dù ở rừng hay khi giữ trọng trách quan trọng trong Đảng, trong quân đội, ông Lê Khả Phiêu luôn dành sự quan tâm và tình cảm đối với những người lính gắn bó với mình những ngày chiến tranh gian khó.

Quảng Trị giải phóng, Thành được các anh thông báo chuẩn bị đi học y tá. Cô gái xốc vác, quen việc tay chân nhưng đi học lại là “cả một vấn đề”. Thành phụng phịu “Các anh cho em ở lại đây, phục vụ cơm nước các thủ trưởng”. Ngày hôm sau, Thành được nhắn lên gặp các thủ trưởng.

Ông Trần Văn Ân – Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị - Thiên gọi Thành lại: “Con không còn nhỏ nữa, con gái có thì. Chiến tranh rồi cũng kết thúc, con về quê mà không nghề ngỗng gì thì các chú thương lắm. Con chịu khó đi học, sau này hết chiến tranh còn có cái nghề mà nuôi thân”.

“Đi học khó, nhưng khó cũng phải học. Đất nước sẽ cần nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ ngành y. Em còn trẻ, phải học để kiếm lấy cái nghề, hay sau này về làm xã viên, đi nhặt cỏ? Đánh giặc Mỹ khó thế chúng ta còn làm được, chẳng lẽ có mấy con chữ lại không “đánh” được?”, bà Thành thuật lại lời khích lệ của ông Phiêu khi đó.

Vậy là Thành đi học, thật ra là “đánh vật” với con chữ, nhất là những loại thuốc với hàng chữ La-tinh. Chính trong thời gian này, cô gái Thành gặp được người đàn ông của cuộc đời mình. Và các chú, các anh ở Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên sau này thay mặt gia đình đứng ra tổ chức đám cưới cho Thành.

Ký ức về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của cô nuôi Trị - Thiên - 4
Vợ chồng bà Thái Thị Thành, ông Trần Ngọc Phan: Với chúng tôi, anh Phiêu không chỉ là người thủ trưởng mẫu mực mà còn là một người "ơn sâu nghĩa nặng".

Chiến tranh kết thúc bà Thành theo chồng ra Bắc, công tác ở Cục Quân y. Hay tin thủ trưởng Lê Khả Phiêu đã chuyển ra Hà Nội, vợ chồng bà nhiều lần tìm đến thăm nhưng không gặp. Lần thì ông đi công tác, lần thì đi sang chiến trường Campuchia. Phải đến 17 năm sau, bà mới được gặp lại người thủ trưởng yêu quý của mình.

“Gặp tôi, anh xoa đầu như xoa đầu đứa em gái nhỏ, hỏi làm gì mà đen thế. Tiếng là cán bộ quân y nhưng như phần đông chiến sĩ, nhân dân lúc đó, hai vợ chồng tôi sống chật vật, phải tăng gia nuôi gà, nuôi lợn. Anh hỏi, tôi vừa mừng vừa tủi, cứ thế òa khóc.

Gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hình dáng anh với bộ quân phục và chiếc mũ cối, lặng lẽ đi quan sát từng ngóc ngách bề bộn chuồng gà, lá khô, củi đun cám lợn của nhà tôi với vẻ mặt trầm ngâm. Sau này, với sự giúp đỡ của anh, vợ chồng chúng tôi đã chuyển đến nơi ở mới, rộng rãi hơn để yên tâm công tác.

Anh là thế, trong thời chiến hay thời bình, khi ở rừng hay khi đã là lãnh đạo cấp cao của quân đội rồi Tổng Bí thư Trung ương Đảng vẫn luôn lo lắng cho chiến sĩ của mình, vẫn nặng ân nghĩa”, bà Thành xúc động chia sẻ.