Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trăn trở việc chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới
(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng đặc biệt ấn tượng về sự quyết liệt của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới.
Người đề xuất xây dựng nghị quyết về chỉnh đốn Đảng
Bày tỏ sự xúc động trước việc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, ấn tượng đọng lại trong cảm nhận và suy nghĩ của ông về người lãnh đạo cao nhất của Đảng hơn 20 năm trước là về một vị tướng, bước ra từ chiến trường nhưng bắt tay vào công việc xây dựng Đảng, ông đã thể hiện ngay được tố chất của mình.
“Công tác xây dựng Đảng, với nguyên Tổng Bí thư khi đó là một việc mới song ông đã thể hiện là một con người rất chịu khó, rất cầu thị, luôn suy nghĩ, làm thế nào để tiếp cận vấn đề mới. Đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nhưng ông Lê Khả Phiêu luôn hướng sự chú ý, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông là người đề xuất phải có một Nghị quyết về Xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung 6 lần 2)” - ông Hùng kể.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Khả Phiêu chính là người đặt vấn đề phải khởi động lại công cuộc chỉnh đốn Đảng với phân tích, thời kỳ mới gắn liền với cơ chế thị trường, với vấn đề tiền - hàng. Theo nguyên Tổng Bí thư, bắt đầu đổi mới cơ chế thì cũng cần bắt đầu công cuộc xây dựng Đảng trong thời kỳ mới bằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nguyên Tổng Bí thư luôn nhắc nhở, một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình. Lắng nghe và bằng thực tiễn năng lực, ông đã đề xuất ngay việc xây dựng chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở, tức là chi bộ.
Là người từng làm việc dưới thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kể lại, trong công tác chỉnh đốn Đảng, ông Lê Khả Phiêu chủ trì, Bộ Chính trị kiểm điểm trước, liên hệ với các yêu cầu, kế hoạch, mục đích.
“Tôi đã chứng kiến Bộ Chính trị thực hiện việc kiểm điểm 10 ngày, có hôm làm việc tới khuya. Từng Ủy viên Bộ Chính trị viết bản kiểm điểm và đứng lên trình bày. Không khí các buổi làm việc rất thẳng thắn, người tham dự không chỉ nói những vấn đề đường lối, quan điểm mà góp ý kiến với nhau cả lối sống, vì từ lối sống thể hiện quan điểm, tư tưởng” - ông Hùng nói.
Ông Hùng hồi tưởng, nguyên Tổng Bí thư chính là người đề cập chủ trương, tiến hành chỉnh đốn Đảng có nghĩa Đảng phải tự sửa lại mình và sửa từ trên sửa xuống.
Ngoài ra, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Phiêu vừa là tướng chỉ huy, đồng thời là người làm công tác chính trị. Trong giải quyết vấn đề kiểm tra, kỷ luật Đảng, ông rất khách quan, không thiên vị ai, tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành các việc, không có vùng cấm.
“Có thể nói ấn tượng nhất của tôi về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là ông luôn chú ý đến xây dựng tổ chức Đảng, chấn chỉnh đảng viên và thành quả của nó. Ông là linh hồn, ý tưởng Nghị quyết Trung ương 6 lần 2. Đọc Nghị quyết chúng ta có thể thấy rõ điều đó” – ông Hùng nhận định.
Những ý tưởng, quyết tâm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, theo ông Hùng, đã để lại cho Đảng những bài học hết sức quý báu. Đó là việc khơi dậy các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, là nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong đảng, chống bè phái. Mỗi một Đảng viên từ vị trí thấp đến vị trí lãnh đạo phải thường xuyên xem xét lại mình, tự phê bình và phê bình; tự báo cáo với tổ chức những vấn đề mà hiện nay mình đang vướng mắc.
“Vị tổng Bí thư đáng kính!”
Thương tiếc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, ông có may mắn được gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư sớm, từ một cơ duyên rất tình cờ. Vào tháng 10/1996, nguyên Tổng Bí thư khi đó đang là Ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị. Ông là người thay mặt thường vụ Bộ Chính trị ký quyết định điều động ông Dung từ Ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Nam Hà về Trung ương Đoàn công tác.
Chưa kịp thi thành quyết định điều động thì Quốc hội có chủ trương chia tách tỉnh Nam Hà thành Nam Định và Hà Nam. Sau chia tách, tỉnh Hà Nam mới chỉ có 3 ủy viên Ban Thường vụ được sắp xếp về Hà Nam. Vậy nên, một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Nam Hà lúc bấy giờ có lên Hà Nội gặp Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu để “xin” giữ ông Dung ở lại địa phương, tiếp tục công tác tại tỉnh mới, giữ vị trí chủ chốt trong Thường trực tỉnh ủy.
“Lần đầu tiên tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao, một Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính, tôi nhớ, khi đó, tôi ấn tượng vì nụ cười rất đôn hậu của ông và một phong thái làm việc rất mạnh mẽ, quyết đoán. Ông có đùa: “Các cậu định làm khó tớ à? Các cậu phải nhớ, đây là quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị chứ đâu phải việc đùa. Thôi, cứ để Dung đi, cậu ấy sẽ quay về làm Bí thư Hà Nam sau”. Như vậy, chấp hành quyết định điều động, tôi về công tác tại Trung ương Đoàn” – Bộ trưởng Dung hồi tưởng.
Sau cơ duyên đó, những năm sau này, ông Đào Ngọc Dung có nhiều dịp, nhiều cơ hội được gặp, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Và đều đặn, từ năm 1996 đáng nhớ đó tới cả sau khi ông Phiêu rời cương vị công tác, năm nào Bộ trưởng Lao động cũng cơ hội được gặp ông sáng mùng Một Tết vì theo thông lệ, sáng mùng Một Tết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn dẫn đoàn thanh thiếu niên đến chúc Tết các lãnh đạo, từ Tổng Bí thư Đỗ Mười tới các ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cho tới Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… về sau này.
Ông Dung kể: “Lần nào tôi cũng cảm động vì sự chu đáo của nguyên Tổng Bí thư. Khi đón tiếp chúng tôi vào sáng mùng Một Tết, ông thường nói bản thân đã dậy rất sớm, nhắc nhở những người giúp việc chuẩn bị trái cây, lì xì để mừng tuổi cho chúng tôi. Có hôm, ông cười khà: “Tớ vừa đi vòng một lượt về rồi. Tớ vẫn chờ các cậu đến để lì xì đây”.
Một kỷ niệm khó quên khác với Bộ trưởng Lao động là lần tháp tùng nguyên Tổng Bí thư sang Lào. Chuyến đi đó, ông có cuộc nói chuyện trước hàng nghìn người, chiến sĩ, đồng bào 2 bên. Trời nắng chang chang nên các cán bộ lo hậu cần mang tới một chiếc ô lớn che cho ông. Khi đó, ông quay xuống yêu cầu cất ô đi, nói: “Mọi người cũng ngồi nắng thế kia có che được đâu mà các cậu lại che cho tớ?”.
Quá trình công tác, từ Trung ương Đoàn, rồi làm Bí thư tỉnh ủy, sau lại sang Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ, đều học hỏi được ở nguyên Tổng Bí thư nhiều điều. Bộ trưởng Lao động bày tỏ, luôn cảm nhận trong con người nguyên Tổng Bí thư một nội lực hừng hực khí thế. Tinh thần ấy toát ra, cuốn hút những người cùng làm việc.
Những lần đến thăm tại nhà, với tư cách cá nhân, tại nhà, với Bộ trưởng Lao động, đều là những cuộc đàm đạo hàng giờ, luôn hào hứng, hăng say. “Cứ nói đến lịch sử, đến quá khứ, đến các cuộc chiến tranh, cảm giác như tất cả vẫn in dấu trong ông, như mới ngày hôm qua. Kể cả gần đây, khi đã yếu rồi nhưng nhắc đến những chuyện đó, ông vẫn luôn say sưa. Ngay trước Tết vừa rồi, tôi đến thăm, ông vẫn ngồi nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ dù thầy trò phải ghé thật sát nhau ông mới nghe được” – ông Dung kể.
“May mắn cho tôi, chiều tối ngày 5/8, khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư rất mệt, tôi vội đến thăm ông tại nhà riêng, ngồi bên giường ông từ khoảng 17h, đến hơn 18h30h chiều thì lại được tháp tùng Thủ tướng vào thăm ông. Đến thăm ông vào những giờ phút cuối, trong tôi rất ngổn ngang. Nhìn ông đau bệnh thương lắm, lý trí mình thì bảo là ông đã yếu, đã ốm một thời gian dài, ông cần được an nghỉ, sớm đi gặp tổ tiên nhưng về tình cảm lại vẫn cứ muốn níu kéo, mong ông vẫn tiếp tục kiên cường sống, chiến đấu với bệnh tật” – Bộ trưởng trầm ngâm.
Ông nhiều lần nhắc lại: “Với tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người vô cùng đáng kính, một con người cách mạng, con người đầy nhiệt huyết, lúc nào cũng sục sôi một ý chí, lý tưởng cách mạng”.