Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về chuyện nhân sự trước Đại hội Đảng
(Dân trí) - 5 năm trước, ngay trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có buổi chia sẻ với báo chí về nhiều vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác nhân sự…
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa từ trần vì tuổi cao, sức yếu, sau thời gian ốm bệnh, để lại nhiều thương tiếc với đồng đội, đồng chí, đồng bào. Trong 4 năm giữ cương vị người đứng đầu Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn thể hiện sự quyết tâm trong công tác chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng vững mạnh.
Luôn khẳng định, sau khi nghỉ hưu không bao giờ “can chính” song nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng chưa từng ngừng làm việc, ông vẫn dành mọi tâm sức, đóng góp cho Đảng, như ông từng nói “phải tiếp tục nghĩa vụ của người đảng viên, khi tim còn đập thì còn cống hiến”.
5 năm trước, cuối năm 2015, ngay trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi đó ở tuổi 84, có buổi chia sẻ với báo chí về nhiều vấn đề như chỉnh đốn Đảng, về công tác nhân sự, phòng chống tham nhũng… những vấn đề đến giờ vẫn nguyên giá trị thời sự.
Chủ tịch thành phố lớn để dân kêu nhiều mà “lơ” vì… bận!
Về xây dựng Đảng, nguyên Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở về vai trò của nhân dân. Ông bày tỏ, người làm lãnh đạo phải hiểu, ở vai trò lãnh đạo đồng thời là người phục vụ dân, là công bộc của dân, đầy tớ của dân, như Bác Hồ nói.
“Luôn khẳng định nhân dân vĩ đại, chế độ của dân, do dân, vì dân nhưng cán bộ không sát dân, không có tinh thần phục vụ nhân dân một cách vô điều kiện thì chưa được. Phải hiểu và thấy được khó khăn của người dân để giải quyết, chưa giải quyết được thì chân thành xin lỗi để người dân hiểu, thông cảm chứ vô cảm trước những khó khăn của người dân, thậm chí trước cả những nỗi đau, trước cảnh đói kém của người dân thì dứt khoát để mất lòng dân, không làm tròn vai trò công bộc” – nguyên Tổng Bí thư lập luận.
Ông kể chuyện từng bức xúc vì Chủ tịch một thành phố lớn để người dân kêu nhiều mà chưa một lần tới nơi, lắng nghe, xem xét vấn đề, dù địa bàn chỉ cách mấy bước chân. “Ông ấy nói bận nhiều việc nhưng tôi bảo, việc của anh chính là chăm lo đời sống của người dân hàng ngày chứ đâu, anh phải quan tâm chứ. Anh bận nhiều việc là anh bận cái gì? Nói như thế là không được, nói thẳng ra là anh quan liêu, vô trách nhiệm, vô cảm chứ còn gì nữa!” – nguyên Tổng Bí thư bức xúc.
Việc đánh giá cán bộ xem ai thực sự là “công bộc của dân”, ông Lê Khả Phiêu khi đó nhận xét thẳng thắn, dù có cả bộ máy chuyên môn cùng làm việc này nhưng kết quả vẫn thấp. Cán bộ, dù qua nhiều tầng nấc quản lý, bồi dưỡng nhưng sau cùng, việc lấy ý kiến đánh giá vẫn nặng tính hình thức.
Ông dẫn chứng: “Như tôi đã nói nhiều lần, ngay vấn đề công khai minh bạch công tác cán bộ cũng đã làm được đâu. Dù Nghị quyết Trung ương đã đề ra rồi, là công tác cán bộ phải công khai minh bạch nhưng nội dung công khai gì, minh bạch gì đã nói đâu. Chính vì thế mà trong Đảng cũng chịu, người thẩm tra cũng chịu”.
Nguyên Tổng Bí thư cảnh báo, nếu không có sự cải tiến mạnh mẽ về phương pháp, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là phương pháp đánh giá đội ngũ cán bộ thì “rất nguy”. Đánh giá cán bộ vẫn chính là những con người trong tổ chức quản lý của người cán bộ đó. Vậy nên nếu không thật sự vô tư, trong sáng thì để cán bộ đánh giá cán bộ cũng dễ có những cái sai vì chỉ cần quan liêu là đã đánh giá sai rồi. Đó là còn chưa nói trường hợp dù không quan liêu nhưng khi xuống cơ sở, thấy có điểm tiêu cực mà anh lại bao che, lờ đi thì kết quả đánh giá cũng không đúng.
Theo nguyên Tổng Bí thư, vì lẽ đó, những người cán bộ chủ trì, đứng đầu các cấp, từ Tổng Bí thư trở xuống phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ của mình, những người thuộc quyền của mình. Việc đánh giá phải thông qua nhiều nguồn tin, trong đó có các kênh thăm dò từ nhân dân. Đánh giá tín nhiệm trong Đảng là đúng nhưng bên cạnh đó phải lấy đánh giá từ Đảng viên cơ sở nữa chứ không phải chỉ hỏi trong cấp uỷ là yên tâm. Nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh,“quan trọng nhất là phải hỏi nhân dân”.
“Cái xấu vẫn giấu đi”
Về thước đo để đánh giá cán bộ, nguyên Tổng Bí thư chỉ rõ, phải là lấy công việc được giao, căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao để đánh giá.
“Cán bộ đó làm việc, kết quả đến đâu? Nhà nước đánh giá, tập thể đánh giá, nhân dân đánh giá cá nhân đó thế nào? Không lấy thực tiễn là công việc của người cán bộ để đánh giá thì làm sao có kết quả đúng được. Ví dụ, cán bộ đó nói rất tốt nhưng tỉnh anh, địa phương anh lại bết bát thì không được. Rồi dủ thực tế như vậy nhưng người đó lại được đưa lên Trung ương, trong khi tỉnh làm khá lại gạt đi thì rõ là có tiêu cực rồi, lại chạy chức, chạy quyền nữa rồi” – nguyên Tổng Bí thư phân tích.
Thời điểm đó, cũng tương tự năm cuối nhiệm kỳ này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đề cập, sắp tới là Đại hội, bầu cử, làm sao làm cho nghiêm, tránh chạy chọt. Khi đó, ông nhận định: “Vẫn có chạy chọt đấy. Ngay cả việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng cũng chạy chọt, dù mới chỉ là lấy phiếu thăm dò thôi cũng đã chạy rồi. Mà đã là chạy chọt, mua phiếu thì sai hết, khách quan sao được. Mà có “hư” mới phải đi mua, đi chạy chứ nếu làm tốt, người ta biết cả”.
Ông gợi ý, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng có thể làm mạnh mẽ như tinh thần lấy phiếu tại Quốc hội. Ông góp ý, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, bản thân ông nhận thấy riêng bản điều tra dư luận cũng khó khách quan, trung thực. Có thể, khi điều tra, người ghi ghi thật, người phản ánh nói thật nhưng khi xây dựng báo cáo lên Bộ Chính trị thì những phần sự thật đó cũng đã được lược đi, đến lúc đưa ra Trung ương lại còn ít nữa.
Soi vào tinh thần tự phê bình và phê bình, như vậy, theo nguyên Tổng Bí thư, là chưa tốt.
“Như thế là nguy đấy, vì giống như người mắc bệnh mà không biết, cứ giấu bệnh đi. Cán bộ che giấu khuyết điểm của mình, cái xấu giấu đi, cái tốt bày ra thì đến lúc sự thật “bục” ra là chết! Ở ta vẫn có tình trạng cái xấu giấu đi như thế, rất nguy hiểm” – ông Lê Khả Phiêu nói.
Một khía cạnh khác của việc đánh giá cán bộ, công khai minh bạch công tác cán bộ, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, theo nguyên Tổng Bí thư, đó là việc kê khai tài sản cán bộ.
Nêu quan điểm là nên duy trì việc kê khai tài sản như một công cụ giám sát, phòng ngừa tham nhũng, người từng ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận xét, công tác này cũng còn hình thức, thành ra phản tác dụng, người dân không hài lòng, nói là “các anh không thật”.