Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

Phương Thảo TTXVN

(Dân trí) - Sau một thời gian lâm bệnh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã từ trần vào hồi 02 giờ 52 phút ngày 07 tháng 08 năm 2020 tại Hà Nội.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần - 1

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần


Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Lê Khả Phiêu, sinh năm 1931, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 02 giờ 52 phút ngày 07 tháng 08 năm 2020 tại Hà Nội.
 
Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng ông Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.
 
Thượng tướng Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.  
 
Từ năm 1964 đến năm 1992, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó Chủ nhiệm Chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị quân khu IX; Phó Bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Tháng 6/1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1992, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa VII) của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.
 
Ngày 26/12/1997 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư.
 
Nguyên Tổng Bí thư là đại biểu Quốc hội khoá X.
 
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Trong 4 năm giữ cương vị người đứng đầu Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn thể hiện sự quyết tâm trong công tác chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng vững mạnh.

Ông cũng vẫn tâm huyết tiếp tục làm việc, cống hiến sau khi nghỉ hưu.

1 năm trước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Buổi lễ do Tổng Cục Chính trị QĐND tổ chức để tri ân vị nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, người đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ Văn phòng Tổng cục Chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương là người trao tặng huy hiệu tới người tiền nhiệm.

Phát biểu tri ân ông Lê Khả Phiêu khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nguyên Tổng Bí thư là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dù ở cương vị công tác nào, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), ông đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Trên cương vị là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông đã cùng tập thể Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, ông luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau.

Bày tỏ xúc động khi đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ: “Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng hôm nay như một lời nhắc nhở đối với tôi, mặc dù đã nghỉ công tác nhưng sẽ vẫn tiếp tục thực hiện trách nhiệm của người đảng viên cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong thời kỳ mới”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vốn là quân nhân chuyên nghiệp, từng bước trưởng thành trong quân ngũ, là vị tướng trận mạc gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho tới khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Con đường từ một chiến sĩ trở thành Tổng Bí thư Đảng - một nhà lý luận cách mạng của ông thể hiện những nỗ lực phi thường trong học tập. Ông chia sẻ bản thân đã học ở nhà trường, ở cuộc sống thường nhật và ở chiến trường. Ông cũng luôn quan tâm đến sự nghiệp khuyến học – khuyến tài cho đất nước, từ khi còn làm tướng lĩnh quân đội cũng như thời kỳ giữ chức vụ Tổng Bí thư.

Hơn 10 năm trước, năm 2007, khi Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí quyết định thành lập Quỹ “Vòng tay đồng đội” thuộc Quỹ Khuyến học Việt Nam do nhà báo Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng Biên tập báo làm Giám đốc Quỹ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng dành nhiều sự quan tâm, ủng hộ với hoạt động ý nghĩa này.

Trò chuyện với nhà báo Phạm Huy Hoàn khi đó, nguyên Tổng Bí thư cho biết, ông vừa trở về sau chuyến đi dài ngày, thị sát các tỉnh miền Trung, đến những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa nhất về phía Tây lãnh thổ. Nguyên Tổng Bí thư kể, ông rất đau lòng trước cảnh đời sống người dân khu vực này còn rất khó khăn, con cái nhiều gia đình thất học vì đói nghèo, càng buồn hơn khi thấy con em các cựu chiến binh, thương binh và gia đình liệt sĩ lại thuộc diện hoàn cảnh hơn nữa.

Ông kể, có một cháu bé tâm sự với ông rằng cháu muốn đi học lắm nhưng vì nhà cháu nghèo, bố mẹ lại bệnh tật nên cháu phải đi làm để giúp đỡ gia đình, nhớ trường, nhớ lớp nhưng đành phải chịu.

Theo đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá, việc thành lập, vận hành Quỹ Vòng tay đồng đội, hướng tới hỗ trợ con em các gia đình chính sách, cựu chiến binh trong học tập, trong cuộc sống là “chủ trương hợp đạo lý”. Ông cũng ghi nhận việc nêu cao chủ trương xây dựng “cả nước trở thành một xã hội học tập” - chủ trương đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể nhân dân.