1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên Huế:

Nguyên nhân nào làm đường trên Đập Đá bị bong tróc sau lũ?

(Dân trí) - Ngày 9/11 làm việc với PV, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế - nhà thầu chính trong hạng mục thảm mặt đường Đập Đá cho biết về nguyên nhân sau lũ Đập Đá bị bong tróc nhiều nơi ở bề mặt.

Theo ông Thành, hạng mục thảm mặt đường Đập Đá chỉ có trị giá 950 triệu trong tổng giá trị công trình là 19 tỷ gồm nhiều hạng mục như gia cố mở rộng hạ lưu, làm mới hệ thống thoát nước 5 cửa… Đơn vị của ông là nhà thầu chính, nhà thầu phụ là Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế. Dù đã lựa chọn nhà thầu phụ là chuyên ngành giao thông nhưng vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc này.

“Khi tỉnh làm việc với các bên đã cân nhắc giữa việc mặt đường Đập Đá sẽ làm bằng xi măng hay thảm nhựa. Do tính thẩm mỹ ở thảm nhựa cao hơn vì là tuyến đường du lịch nên dù biết có thể xảy ra rủi ro trong lũ lớn, cuối cùng đã lựa chọn phương án này” – ông Thành trao đổi.

Thực hiện thảm Đập Đá vào năm 2015, đơn vị đã tận dụng nền đường cũ, tưới dính bám rồi thảm 2 lớp, lớp đầu 7cm, lớp sau 5cm. Toàn bộ phần mặt đường Đập Đá là 1.200m2 đã được thảm xong vào cuối năm 2015.

Trong đợt lũ vừa rồi, kéo dài từ 2h sáng 5/11 đến ngày 8/11 thời gian "ngâm" trong lũ 4 ngày, nước chảy với lưu tốc lớn. Thời điểm đỉnh lũ, cột nước qua Đập Đá 2m. Sau lũ đã xảy ra hiện tượng bong tróc và đẩy lật những mảng nhựa diện tích 40m2 ở 4 điểm.

Nguyên nhân nào làm đường trên Đập Đá bị bong tróc sau lũ? - 1
Các điểm nhựa đường bong tróc tại Đập Đá ngày 8/11
Các điểm nhựa đường bong tróc tại Đập Đá ngày 8/11

Ông Thành cho hay, vấn đề này đa số đường nhựa có nước tràn qua dễ gặp. Do có một vài điểm cục bộ tính kết dính không tốt nên đã xảy ra hiện tượng trên. Đây là điều khó tránh khỏi cho các mặt đường nhựa ngâm trong nước lũ lâu ngày.

“Mặc dù thời hạn bảo hành công trình đã hết, tuy nhiên đây là công trình rất quan trọng, với trách nhiệm, uy tín của đơn vị, công ty sẽ tiến hành khắc phục và xử lý đảm bảo theo quy định. Sau khi nước rút và nắng lên chúng tôi sẽ khắc phục ngay. Hiện đơn vị đang cho cấp phối dăm và đầm chặt đảm bảo an toàn người dân qua lại tại đây” – ông Thành trao đổi.

Cũng được biết Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư dự án qua kiểm tra sau lũ, các hạng mục khác ở tại Đập Đá vẫn an toàn tuyệt đối, chỉ xảy ra hiện tượng bong tróc ở bề mặt đường.

Dù được cấp tạm cấp phối đá dăm tại các điểm bong tróc, nhưng nước lũ lại lên tối 8/11 nên đá dăm bị trôi nhiều
Dù được cấp tạm cấp phối đá dăm tại các điểm bong tróc, nhưng nước lũ lại lên tối 8/11 nên đá dăm bị trôi nhiều
Phần hạng mục thảm mặt đường của Đập Đá có giá trị 950 triệu đồng với diện tích 1.200m2 làm bằng thảm nhựa
Phần hạng mục thảm mặt đường của Đập Đá có giá trị 950 triệu đồng với diện tích 1.200m2 làm bằng thảm nhựa

Như Dân trí thông tin, qua phản ánh sau lũ ngày 8/11 tại Đập Đá đã có nhiều điểm bị bong tróc, lật cả lớp nhựa đường lên làm người dân lưu thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Đây là công trình mới đưa vào hoạt động không lâu mới hơn 1 năm.

Đại Dương