Nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói về Văn kiện Đại hội Đảng XIII
(Dân trí) - Nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII rất công phu, có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước, đồng thời lấy ý kiến từ dân rất cởi mở, rất cầu thị.
Đại hội Đảng là sự kiện, là dấu mốc quan trọng của đất nước ta. Trong đó, văn kiện chính là "linh hồn" của Đại hội. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp để hoàn thiện văn kiện là một công việc hệ trọng, nhằm thể hiện quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nguyên một số lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa đánh giá các báo cáo được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung có tầm chiến lược, khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước.
"Văn kiện mang tính chất định lượng, không chung chung"
Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Miện và nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông đánh giá, văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, kỹ càng theo đúng quy trình, đảm bảo được tính khách quan, sát thực và khoa học; các phần nội dung đánh giá rất cụ thể rõ ràng. Đặc biệt là khái quát tổng hợp gửi xuống cho các tầng lớp nhân dân tham gia, ngắn gọn, cụ thể, người dân dễ tham gia, tham gia hiệu quả.
"Vấn đề đất nước thì rộng mà khái quát được vấn đề mang tính chất định lượng chứ không chung chung. Đặc biệt, có những vấn đề đề cập rất cụ thể như mục tiêu, giải pháp…" - ông Cuông nói.
Bà Miện cũng như ông Cuông bày tỏ sự tán thành cao với các báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; kết quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua với nhiều dấu ấn quan trọng.
Hai nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ấn tượng về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta trong nhiệm kỳ qua "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Đảng chấp nhận mất một số cán bộ để bộ máy được trong sạch, từ đó củng cố niềm tin trong nhân dân.
Đặc biệt trong công tác an ninh, quốc phòng của kỳ Đại hội khóa XII, nhất là trong năm cuối của nhiệm kỳ, các nguyên lãnh đạo bày tỏ sự khâm phục trước bối cảnh hiện nay chúng ta vừa phải chống lại dịch bệnh, vừa đối mặt với thiên tai, lũ lụt, nhưng chúng ta luôn vững vàng trong phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.
"Từ 2015 trở về trước, chúng ta từng bước đổi mới, hội nhập. Từ 2015 đến 2020, càng tự hào rằng chúng ta có Đảng lãnh đạo, có Nhà nước, có pháp quyền hướng dẫn người dân" - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ý kiến.
"Trước thềm đại hội XIII, Văn kiện của Trung ương đánh giá rất sâu sát chiến lược phát triển kinh tế kể cả năm 2010 đến năm 2020 và 10 năm tiếp theo. Chúng tôi thấy rằng từ năm 2010 đến năm 2020, đặc biệt là năm nay mặc dù thuận lợi có, khó khăn có đan xen nhau nhưng kinh tế của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển một cách vững chắc, đời sống của nhân dân được cải thiện. Trong văn kiện của Đảng chỉ rất rõ kể cả tổng thu nhập, mức thu, kinh tế phát triển toàn diện..." - bà Miện nói.
Còn ông Lê Văn Cuông cho rằng: "Lần này Đảng đề ra hướng phát triển đất nước mang tính định lượng không định tính như trước. Như đến năm 2030, nước ta sẽ phấn đấu thu nhập cao, trở thành nước phát triển, mục tiêu đề ra rất rõ ràng. Cũng có nhiều ý kiến, đề ra mục tiêu như thế có khả thi hay không. Có nhiều những giải pháp ở trong đó tuy nhiên nếu như xu thế hiện nay thì vẫn có thể tin tưởng Nghị quyết của Đảng đề ra có khả thi".
Tuy nhiên, cá nhân ông Cuông nêu quan điểm: "Văn kiện Đại hội nên có phương án 1, phương án hai cũng không nên cứng nhắc. Ví dụ đất nước gặp khó khăn nếu như ảnh hưởng điều gì từ Thế giới, cũng nên có phương án dự phòng".
Văn kiện có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước
Theo ông Lê Văn Cuông, ông rất tâm đắc nội dung trong dự thảo lần này nhiều lần nhắc đến "khát vọng phát triển đất nước". Đánh giá cao việc Đảng nhấn mạnh đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII.
Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nêu quan điểm: "Văn kiện đề ra chiến lược phát triển kinh tế năm 2021-2030 khả thi nhưng để đạt được mục tiêu thì theo tôi phải có các điều kiện sau:
Đảng phải tập trung củng cố công tác xây dựng Đảng; không tạo cơ hội, kẽ hở cho chạy chức chạy quyền, cán bộ lộng hành, lợi ích nhóm.
Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ khát vọng cống hiến mới xây dựng được chiến lược phát triển đúng và trúng. Từ đó mới dẫn dắt được toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.
Phải xây dựng được một quốc hội mạnh để xây dựng thể chế; xây dựng Chính phủ đồng bộ. Đặc biệt Chính phủ phải tháo được những điểm "nghẽn" của xã hội.
Cuối cùng Mặt trận phải xây dựng được làm thế nào để đoàn kết nhân dân. Đất nước mạnh hay không phải đoàn kết…Ta làm được những điều đó, Đất nước sẽ "hóa rồng".
"Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, nền kinh tế của đất nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt, qua công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép, Việt Nam đang là nước được quốc tế đánh giá rất cao.
Vì vậy, dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này đưa ra quan điểm về khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững là rất hợp lý và chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để hiện thực hóa khát vọng này" - ông Cuông tin tưởng.
Nguyên Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Miện tâm đắc với chủ đề đại hội XIII sắp tới là: Kỷ cương- sáng tạo- phát triển. Cùng với đó là tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, khơi thông khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc…
Theo bà Miện, tình hình vừa qua vẫn còn nhược điểm là cán bộ quan liêu nhiều, từ cán bộ cấp dưới, cấp có thẩm quyền đó chính là "u nhọt"; thích khen nhiều hơn là chê. Đó là hậu quả tới đây ta phải giải quyết. Ngoài ra, kinh tế tất nhiên có tiến bộ nhưng chưa thật bền vững; áp dụng khoa học công nghệ của đất nước ta chưa được nhiều; xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới chưa đều. Nhiều nơi NTM bắt dân nợ nần… Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh hóa kỳ vọng những nhược điểm trên cần sửa trong nhiệm kỳ tới.