1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguy hiểm rình rập những chuyến phà vượt sông Hồng

(Dân trí) - Cách công trường xây dựng cầu Vĩnh Thịnh khoảng 100m, những chuyến phà vẫn chuyên chở hàng nghìn lượt người vượt sông Hồng mỗi ngày như đang “giỡn mặt với tử thần” bởi sự mất an toàn rình rập từng giờ từng phút.

Bến phà Đường Lâm - Vĩnh Thịnh được Tổng Cục đường bộ Việt Nam cấp phép hoạt động trên tuyến giao thông đường thủy nội địa qua sông Hồng từ năm 2003 đến nay, kết nối thị xã Sơn Tây - Hà Nội với huyện Vĩnh Tường  - Vĩnh Phúc.

Tháng 12/2011, cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên Quốc lộ 2C được khởi công xây dựng. Công trường ngổn ngang và nguy cơ mất an toàn giao thông thủy tại đây luôn được cảnh báo ở mức cao nhất, nhưng những chuyến phà từ Sơn Tây sang Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn tấp nập người qua lại.

Bến phà Đường Lâm - Vĩnh Thịnh đang hoạt động

Bến phà Đường Lâm - Vĩnh Thịnh đang hoạt động

Ghi nhận của PV cho thấy, hoạt động tại bến phà này diễn ra từ 5h - 21h hàng ngày, mỗi chuyến phà cách nhau khoảng 15 phút với số hành khách từ vài chục đến cả trăm người/chuyến. Ước tính, mỗi ngày tại bến có khoảng gần 100 chuyến phà vượt sông Hồng chở theo hàng ngàn lượt hành khách.

Vị trí bến phà hoạt động chỉ cách công trình cầu Vĩnh Thịnh khoảng 100m về phía thượng lưu. Vị trí bến phà lại nằm trong đoạn sông cong, lõm ở bờ phải phía Hà Nội nên dòng chủ lưu ép sát bờ thường gây sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Cách bến phà bờ phải (phía Hà Nội) vài chục mét, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm, thế nhưng ô tô vẫn vô tư lên phà để qua sông.

Với tình hình cầu - phà vừa thi công vừa hoạt động thì khả năng phà gặp sự cố hay va chạm các trụ cầu là rất cao, đe dọa tới tính mạng của hành khách và làm hư hỏng các thiết bị thi công, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình xây dựng cầu Vĩnh Thịnh.

Mỗi ngày có gaagn 100 chuyến phà chở người và phương tiện qua sông

Mỗi ngày có gaagn 100 chuyến phà chở người và phương tiện qua sông

Theo nhìn nhận của các đơn vị có trách nhiệm thì giao thông qua phà Vĩnh Thịnh rất dễ xảy ra sự cố. Đơn giản như trường hợp chân vịt của tàu bị vướng vật thể trôi dạt trên sông sẽ dẫn tới phà bị chết máy, với sức nước chảy siết trên lưu vực này thì chỉ vài phút là phà có thể trôi dạt tới vị trí trụ cầu, khi đó hậu quả khó có thể nói trước.

Trên thực tế, đã từng xảy ra những sự cố tại bến phà này, thậm chí có vụ phà chết máy và trôi dạt tới 10km thì lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Ngày 12/1/2012, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 66/CĐTNĐ-QNHT về việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy cho bến phà Vĩnh Thịnh trong quá trình thực hiện thi công, gửi Sở GTVT Hà Nội và Vĩnh Phúc cùng các ban, ngành có liên quan đề nghị chấm dứt hoạt động bến phà cũ, đồng thời di chuyển sang vị trí mới cách đó khoảng 1.000m về phía thượng lưu sông Hồng.

Sở GTVT Hà Nội sau đó đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-GTVT vào ngày 05/4/2012 hủy bỏ Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông số 18/2011/GPBKNS cấp ngày 29/6/2011, chấm dứt hoạt động đối với bến khách ngang sông Đường Lâm do Công ty TNHH Đường Lâm quản lý tại vị trí km18+500 bên bờ phải sông Hồng.

Nguy hiểm rình rập từng giây từng phút nhưng người dân dẫn phó thác tính mạng

Nguy hiểm rình rập từng giây từng phút nhưng người dân dẫn phó thác tính mạng

của mình cho nhà phà để qua sông

Như vậy, đáng lẽ kể từ thời điểm Giấy phép hoạt động bên bờ phải (địa phận Hà Nội) bị rút thì bến phà phải dừng hoạt động. Nhưng điều đáng nói là bến phía bờ trái sông Hồng thuộc địa phận Vĩnh Phúc thì hoạt động vận chuyển giao thông thủy này vẫn được chấp nhận và không bị thu hồi giấy phép, đó là lí do những chuyến phà vượt sông Hồng tiếp tục được khai thác bình thường, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm tới tính mạng người tham gia giao thông trong quá trình cầu Vĩnh Thịnh đang thi công xây dựng.

Thế nhưng cho đến nay đại diện bến phà Vĩnh Thịnh - Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc vẫn cho rằng: Bến phà nằm trong phạm vi an toàn phục vụ thi công cầu cũng như hành lang an toàn cầu Vĩnh Thịnh sau này!?

Sự mất an toàn tại bến phà Đường Lâm - Vĩnh Thịnh đã rõ, nhưng nói một cách công bằng thì đáng lẽ vấn đề này phải được giải quyết từ khi dự án xây dựng cây cầu này còn nằm trên giấy. Bởi về nguyên tắc, trong hồ sơ thiết kế thi công và phương án đảm bảo an toàn thi công cầu Vĩnh Thịnh phải có nghiên cứu và tính tới thực tế nói trên, đồng thời phải có dự toán kinh phí phục vụ cho việc đình chỉ hoạt động bến để phục vụ thi công hoặc di chuyển bến phà đi vị trí khác. 

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức họp bàn về đảm bảo an toàn giao thông khu vực thi công Cầu Vĩnh Thịnh trên QL 2C. Có 3 phương án đảm bảo an toàn đã được nêu ra, cụ thể: Phương án 1 - Đưa bến phà hoạt động về phía hạ lưu; Phương án 2 - Đình chỉ bến phà Vĩnh Thịnh và hướng dẫn từ xa để các phương tiện giao thông phải đi vòng qua cầu Trung Hà hoặc cầu Thăng Long; Phương án 3 - Tiếp tục tồn tại nhưng phải có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, cho đến nay việc lựa chọn phương án nào là cuối cùng chưa được quyết định.

Tuệ Anh