Kon Tum:

Nguy cơ vỡ đập tràn Đăk Uy trong mùa mưa lũ

(Dân trí) - Bị sạt lở từ sau cơn bão số 9/2009, đập Đăk Uy (nằm trên địa bàn xã Đăk Uy, Đăk Hà, Kon Tum) không được sửa chữa kịp thời vì thiếu kinh phí. Mới đây, do ảnh hưởng của bão số 7, đập tràn chính của hồ chứa Đăk Uy lại sạt lở nghiêm trọng.

Hiện người dân sống quanh khu vực đập thật sự lo lắng khi nguy cơ vỡ đập tràn chính có nhiều khả năng xảy ra, nếu đợt mưa lớn kéo dài thêm vài ngày nữa…

 

Hồ chứa nước Đăk Uy được xây dựng từ năm 1976 với dung tích chứa 26,3 triệu m3 nước và được đưa vào sử dụng từ năm 1977 đến nay. Qua hàng chục năm, đập Đăk Uy bị hư hỏng xuống cấp nặng nề, gây nguy cơ mất an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến.

 

Ngày 22/10/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) có Quyết định số 3236 phê duyệt dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chức nước Đăk Uy với kinh phí 79 tỷ đồng, trong đó kinh phí sữa chữa đập tràn là 10 tỷ đồng. Theo thiết kế, sau khi nâng cấp, hồ chứa Đăk Uy sẽ có dung tích chứa 29,6 triệu m3 nước (tức là nâng cấp thêm 3,3 triệu m3 nước), với nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình, cấp nước tưới cho hơn 2.500ha đất canh tác nông nghiệp, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 65.000 người dân huyện Đăk Hà, cắt lũ vùng hạ du…
 
Đập tràn hồ Đăk Uy

Đập tràn hồ Đăk Uy

 

Sau cơn lũ số 9/2009, lũ trên ngưỡng tràn 2m46, vượt tầng suất lũ thiết kế P =1% là 0,06m, nên tràn xả lũ bị xói lở nghiêm trọng, cột nước lũ đã làm gãy sập tường bên và sập ngưỡng tràn hai khoang số 4, 5, bậc số 6, 7, 8 và bể tiêu năng hạ lưu bị xói lở hai bên và phần đuôi.

 

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi các bộ, ngành ở TW, đề nghị bố trí vốn để tu sửa và nâng cấp hồ chứa Đăk Uy.

 

Ngày 22/2/2010, Bộ NN & PTNT có Quyết định số 432, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Đăk Uy từ 79 tỷ đồng (năm 2008) lên hơn 141 tỷ đồng và từ 10 tỷ (năm 2008) lên 42 tỷ đồng cho hạng mục sửa chữa đập tràn xả lũ. Theo quyết định trên, vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN & PTNT quản lý đầu tư xây dựng công trình đầu mối là trên 138 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương đầu tư là trên 3 tỷ đồng.

 

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản gửi cho các bộ, ngành TW đề nghị bố trí vốn. Nhưng không hiểu vì sao, nguồn kinh phí từ Bộ NN & PTNT lại “rót nhỏ giọt” từ năm 2009 đến nay chỉ được cấp khoảng 32 tỷ đồng, nên đơn vị chủ đầu tư chỉ cho triển khai đấu thầu và thi công được phần đập đất…
 
Mưa lũ gây sạt lở đập tràn
Mưa lũ gây sạt lở đập tràn
 
Người dân phải làm bờ kè hỗ trợ
Người dân phải làm bờ kè hỗ trợ

 

Qua những đợt mưa lớn xảy ra liên tục trong tháng 9/2012, mặc dù đơn vị quản lý đập vẫn chưa đóng cống đầu mối nhằm giảm bớt lưu lượng nước qua tràn nhưng cột nước trên tràn xả lũ của hồ vẫn đạt mức 0,7m. Và mới đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, mưa lớn xảy ra liên tục đã làm mực nước trong hồ dâng cao, chảy mạnh nên đã gây xói lở thêm 2 khoang số 6, 7 và đoạn đường tràn sâu 5m, rộng 15m, dài 100m.

 

Theo thiết kế đập tràn Đăk Uy là 300m, chia thành 11 khoang tràn, riêng khoang số 6 và 7 có độ dài 70m; đây là 2 khoang dài nhất, giữ vị trí xung yếu của đập… Và nếu như nguy cơ võ đập xảy ra, sẽ đe dọa trực tiếp từ 6-7 ngàn hộ dân ở thôn 11 xã Đăk Uy, tổ dân phố 3, 7, 12 của thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà). Ngoài ra, sẽ làm mất nguồn nước sinh hoạt cho 65 ngàn người dân và tưới tiêu toàn bộ diện tích hoa màu nằm trong vùng.

 

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở, huyện Đăk Hà đã huy động hàng trăm người dân thôn 11 của xã Đăk Uy vận chuyển đá, bao đất, cát để kè lại những điểm sạt lở. Ban quản lý đập đã nắn dòng chảy của đập tràn, lấy bạt che phủ lại những điểm sạt lở để hạn chế xói lở. Bên cạnh đó, đơn vị thi công cũng dùng rọ đá kè lại những điểm xung yếu nhằm hạn chế xói lở về phía thân đập.
 
Người dân phải làm bờ kè hỗ trợ

 

Và cũng ngay trong ngày 6/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đã kịp thời có mặt tại hiện trường và trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục sự cố sạt lở. Chủ tịch yêu cầu huyện Đăk Hà sử dụng toàn bộ nhân lực, vật lực ứng cứu nếu có nước lũ và ngập lụt; đồng thời khẩn trương khắc phục xử lý sự cố sạt lở tại đập Đăk Uy; xây dựng phương án di dời dân nếu có sự cố xảy ra…

 

Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Nguyễn Thành Trung, cho biết: “Huyện đã có phương án di dời dân nếu xảy ra sự cố, đồng thời liên tục thông báo cho người dân biết để phòng và tránh. Hiện đang cho mở cửa xả, mở thêm đập tràn phụ để giảm tải nước, tránh sạt lở thêm.”

 

Tại buổi họp báo ngày 8/10 tại Văn phòng UBND tỉnh, các vấn đề được nêu ra đều tập trung về nguyên nhân sạt lở đập Đăk Uy và công tác khắc phục. Các nhà báo cũng đặt ra câu hỏi, liệu rằng công trình hồ Đăk Uy có an toàn cho hàng ngàn hộ dân nếu có mưa lũ tiếp theo?

 

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Kon Tum đã có các biện pháp hữu hiệu để khắc phục sự cố sạt lở đập tràn Đăk Uy, tăng cường thêm nhân lực, rọ đá và bạt chắn nước phía sạt lở. Trong khi chờ kinh phí từ Bộ NN & PTNT rót về, hàng ngàn hộ dân ở khu vực này liệu có yên tâm về nguy cơ có khả năng vỡ đập Đăk Uy, khi mà rừngTây Nguyên chưa dứt mùa mưa lũ và những trận mưa “lịch sử” kéo dài?

 

Biên Cương