1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nguy cơ sập cầu Văn Thánh 2 rất cao!

Đó là nhận định của một chuyên viên về cầu. Ông cho biết thêm: “Nếu để thêm thời gian, không những mặt cầu bị vỡ mà còn có nguy cơ dầm cầu rớt xuống, không tránh khỏi khả năng sập cầu. Dự kiến sau khoảng 15 ngày đến một tháng tới diễn biến cầu Văn Thánh 2 sẽ tiếp tục xấu hơn”.

Sáng 10/10, một lỗ thủng lớn có diện tích 0,5 x 0,5m được nhìn thấy trên cầu Văn Thánh 2, TPHCM.

 

Để cảnh báo các phương tiện giao thông qua cầu, ban đầu người ta đã cắm vào đó một cái cọc. Ở chỗ mặt cầu bị vỡ to lộ ra những thanh sắt bị cong queo và mọi người có thể nhìn xuyên xuống mặt đất bên dưới. Cách chỗ mặt cầu bị vỡ khoảng 200m, cũng trên làn đường ôtô chạy chiều từ Bình Thạnh hướng về quận 1, một “ổ trâu” cũng được cắm một cây cọc như ngọn lao chĩa ngược chiều xe chạy.

 

Mặt đường có dấu hiệu lún sụt ngày càng nặng bởi có đến 30 điểm đọng nước trải dài từ cầu Văn Thánh 2 đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dù không phải là ngày có triều cường.

 

Cách chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 200m, có một đoạn dài khoảng 10m nước ngập cả mặt đường dành cho làn ôtô chiều từ Bình Thạnh về quận 1. Riêng bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nước đọng kéo dài khoảng 30m, lấn ra bề rộng lòng đường khoảng 1m.

 

Còn ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, bề mặt vỉa hè có một số đoạn lún sụt rất nặng. Nhiều nắp cống trên đường này bị dịch chuyển xiêu vẹo, có cái bị mất được che đậy tạm.

 

Đến chiều 10/10, lỗ hổng này được Công ty cầu 60 thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (TCTXDCTGT) 6 cho trám bêtông. Theo chỉ đạo của Sở Giao thông công chính TPHCM, Công ty Quản lý công trình cầu phà TP đã đưa một tấm sắt dày ra đậy trên chỗ mặt cầu vừa được trám trét.

 

Nguy cơ sập cầu Văn Thánh 2 rất cao! - 1

Lỗ thủng nhìn ở mặt dưới cầu.

Sáng 11/10, đứng dưới gầm cầu Văn Thánh 2, PV nhận thấy ở chỗ mặt cầu bị vỡ người ta đã chống vài chiếc cây nhỏ vào một tấm ván được ốp sát lên bề mặt cầu nhằm giữ bêtông được trám trét bên trên. Những chấn động rất lớn của những chiếc xe tải vượt trên mặt cầu đã vang động nhiều ở chỗ vừa được đắp vá. Ở các đầu dầm cầu trải dài từ làn xe hai bánh đến làn ôtô phần lớn đã bị bong tróc, mảng bêtông bị bong lòi ra những tấm lưới sắt đã han gỉ. Còn ở các gối cầu người ta đã kê vài tấm ván 20-30cm để đỡ tạm rất chắp vá.

 

Ở bên hông cầu, nhất là nơi bờ tường đường dẫn vào cầu phía quận 1, có rất nhiều vết nứt chạy dài từ trên xuống dưới. Có đoạn vết nứt rộng gần 10cm ở chỗ tiếp giáp với mố cầu. Nhiều viên gạch trên bờ tường sát với mặt đường dẫn vào cầu bị bong ra và có một số viên như sẵn sàng rơi xuống đất. Tương tự, các bờ tường của đường dẫn vào cầu phía quận Bình Thạnh cũng vậy, đều bị nứt và các viên gạch hoặc từng mảng tường như sẵn sàng rơi xuống đất.

 

Mặt đường dẫn vào cầu, qua hầm chui, cầu Văn Thánh thì có quá nhiều gờ. Do đó các xe tải nặng, xe container chạy qua khu vực này như bị xốc lên. Một chuyên viên ngành GTCC đánh giá những dư chấn trên sẽ làm chiếc cầu đang “ốm yếu” càng xuống cấp nhanh chóng hơn và sẽ làm mặt cầu tiếp tục vỡ.

 

Nguy cơ sập cầu Văn Thánh 2 rất cao! - 2

Lỗ thủng trên cầu Văn Thánh 2 chỉ được sửa chữa vội vã. Bên dưới kê một tấm đỡ bằng gỗ với vài cây chống để trám ximăng. Phía trên mặt cầu lót tạm một tấm thép.

Trả lời về sự cố mặt cầu Văn Thánh 2 bị thủng, ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - đơn vị thi công cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ nên không rõ nguyên nhân sự cố này do chất lượng thi công hay do thiết kế, cần xem lại bản vẽ mới có thể xác định được ai sẽ chịu trách nhiệm. Thế nhưng, việc thiết kế cầu Nguyễn Hữu Cảnh như một chiếc cầu trên tỉnh lộ rõ ràng là bất ổn vì con đường này có mật độ xe tải nặng lưu thông dày đặc suốt ngày đêm”.

 

Trong khi đó, ông Quách Văn Điệp - phó giám đốc Ban quản lý dự án công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh - đơn vị chủ đầu tư, lại cho rằng “không đến mức độ nghiêm trọng lắm, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp xử lý tạm. Việc sữa chữa mặt cầu bị hỏng sẽ nằm trong kế hoạch sửa chữa toàn diện cầu, đường lún và tường che mố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị nứt”.

 

Sự cố” cầu Văn Thánh 2 và đường Nguyễn Hữu Cảnh

 

Tháng 5/1997: Khởi công xây dựng công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3.690m, cho sáu làn xe. Trong đó xây dựng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Thị Nghè 2, nút giao thông ở đầu cầu Sài Gòn và đường dưới dạ cầu Sài Gòn, hầm chui Văn Thánh 2. Công trình có vốn đầu tư ban đầu là 278 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 419,2 tỉ đồng. Đầu năm 2002 hoàn thành xây dựng công trình.

 

Tháng 4/2002 phát hiện hai hầm chui bị lún, sửa chữa đến tháng 1/2003 mới xong.

 

Đầu năm 2003 phát hiện đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún. Tháng 6/2003, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng - kiểm định thấy nhiều đoạn đường bị lún từ 5cm đến gần 1,1m, đa phần trên địa bàn quận Bình Thạnh.

 

Tháng 7/2004 phát hiện có hư hỏng cục bộ ở đầu dầm và mố cầu Văn Thánh 2. Tháng 8/2004: Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã lập hồ sơ “công tác sửa chữa khuyết tật cầu”.

 

Tháng 8/2005 Bộ Giao thông vận tải có báo cáo gửi Thủ tướng những nội dung cần xử lý, giải quyết về mặt kỹ thuật, như việc khắc phục ngay sự cố đầu dầm và mố cầu, bù lún một số đoạn bị ngập khi triều cường, sửa chữa tường che đường dẫn cầu vượt.

 

Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục sự cố Văn Thánh 2 vẫn chưa thực hiện.

  

Theo Tuổi trẻ