1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp

Bình Minh

(Dân trí) - Là địa phương có số lượng hồ chứa nước nhiều thứ 2 cả nước, thế nhưng hiện nay tại Thanh Hóa có rất nhiều công trình hồ đập đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy được hiệu quả.

Thanh Hóa hiện có tới 610 hồ chứa nước, trong đó có 1 hồ quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh Quốc gia là hồ Cửa Đạt, 29 hồ chứa lớn, 84 hồ chứa vừa và 496 hồ chứa nhỏ.

Nếu tính các công trình thủy lợi thì địa phương này có tới 2.524 công trình lớn, nhỏ. Mặc dù Trung ương và tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã quan tâm, đầu tư sửa chữa nâng cấp nhiều công trình, thế nhưng số lượng các hồ chứa nước hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn tại Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều.

Nhiều hồ đập xuống cấp nghiêm trọng

Tại Thanh Hóa, đợt nắng hạn kéo dài hơn 2 tháng mới có mưa khiến hồ đập nhiều nơi nứt nẻ, hàng nghìn ha "bờ xôi ruộng mật" của người dân phải bỏ không vì thiếu nước. Hệ lụy từ nắng hạn cũng khiến cho 3 hồ chứa nước của huyện Như Thanh (Thanh Hóa) bị nứt mặt, mái thân đập tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn.

Nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp - 1

Hồ Cửa Trát (đóng trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân) là một trong những hồ chứa nước lớn của Thanh Hóa hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong số 3 hồ trên, hồ Sông Mực có dung tích chứa nước khoảng 200 triệu m3 bất ngờ nứt toác thân đập, kéo dài gần hàng trăm mét. Sự cố trên được ngành nông nghiệp huyện Như Thanh kiểm tra và phát hiện vào ngày 9/9/2020.

Theo ghi nhận một vết nứt chạy dài khoảng 173 m ngay giữa con đập có chiều dài 470 m. Vết nứt rộng từ 3-5 cm, chiều sâu (qua đào kiểm tra) khoảng 1 m. Trước sự cố trên, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chi 12 tỉ đồng để nhanh chóng khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và tính mạng của hàng nghìn hộ dân vùng hạ du thuộc 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia.

Nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp - 2

Tràn hồ Cửa Trát xuống cấp, hư hỏng.

Hồ Cửa Trát (đóng trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân) là một trong những hồ chứa nước lớn của Thanh Hóa hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, hồ chứa này được xác định thấm đập chính, tràn xả lũ bị hỏng nặng.

Hồ này có ý nghĩa rất quan trọng với huyện Thọ Xuân bởi nó có sức chứa tới 3,2 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 680 ha. Hồ tiềm ẩn mối nguy hiểm thường trực cho 1.500 hộ dân sống ở vùng hạ lưu nếu hồ gặp sự cố.

Một hồ chứa nước lớn khác cũng xuống cấp, mất an toàn là hồ Khe Tre (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống). Hồ này có sức chứa khoảng 1,4 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 400 ha. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, hiện hồ cũng đã hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, hồ Khe Tre đã xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nay nên việc tích nước phục vụ tưới tiêu không phát huy hết khả năng, đồng thời còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão về.

"Hồ nằm toàn bộ trên địa bàn xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tuy nhiên lại phục vụ chủ yếu gần 300 ha đất nông nghiệp của huyện Nông Cống, vì thế việc quản lý vận hành được tỉnh giao cho chúng tôi. Vừa qua Sở NN&PTNT cũng đã về khảo sát và tới đây sẽ tiến hàng sửa chữa, nâng cấp"- ông Tuấn nói.

Ngoài ra, tại huyện Thường Xuân cũng có có 16 hồ xuống cấp. Do là huyện miền núi nên những hồ này tuy không lớn nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phục vụ tưới tiêu.

Cần khoảng 650 tỉ đồng để sửa chữa

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số 610 hồ chứa nước trên địa bàn có có 289 hồ đã được sửa chữa, nâng cấp, 26 hồ đang tổ chức thi công, còn 295 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Số hồ chưa được sửa chữa có 78 hồ chứa mất an toàn, hư hỏng nghiêm trọng (có 6 hồ chứa nước lớn). 78 hồ này nằm rải rác ở nhiều huyện, trong đó nhiều nhất là huyện Thường Xuân (16 hồ). Để đảm bảo an toàn, Thanh Hóa đã đề nghị không được tích nước đối với 5 hồ, tích nước 1 phần đối với 62 hồ.

Hồ đập chứa nước tại Thanh Hóa xuống cấp, hư hỏng có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa thì nguyên nhân chủ yếu do những hồ đập được xây dựng đã quá lâu (những năm 1960-1970), thậm chí có hồ đập đã được xây 100 năm nay (đập Bái Thượng, xây từ năm 1920).

Các con đập trước đây hầu hết có kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên dẫn đến đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, thậm chí có nhiều hồ đập dung tích chứa nhỏ không có khả năng phòng lũ.

Nguy cơ mất an toàn từ hồ đập xuống cấp - 3

Mái đập hồ làng Hợi (Xuân Du, huyện Như Thanh) xuất hiện tình trạng cong võng, mái phía hạ lưu bị sạt trượt.

Theo lãnh đạo phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn- Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, trước mùa mưa bão năm 2020, đơn vị đã rà soát và ghi nhận có 78 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm khắc phục sửa chữa. 

"Hầu hết các đập này đã được xây dựng quá lâu, chủ yếu được đắp bằng đất dẫn tới không đảm bảo an toàn, quy chuẩn về tiêu, thoát lũ. Cái khó hiện nay là nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp hồ đập rất lớn (78 hồ dự kiến khoảng 650 tỉ đồng). Trong khi ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, vì thế việc sửa chữa cũng phải tính toán xem hồ đập nào hư hỏng nặng, có tầm quan trọng trong việc tưới tiêu, thoát lũ, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân thì ưu tiên cho sửa chữa trước"- vị này thông tin.

Sông Mã "cõng" 10 nhà máy thủy điện 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa hiện nay trên lưu vực sông Mã qua địa phận tỉnh Thanh Hóa đang có 10 công trình thủy điện lớn nhỏ, trong đó có 3 nhà máy nằm trên sông Chu (một nhánh của sông Mã) và 7 công trình trên sông Mã. Hầu hết các nhà máy đã hòa lưới điện quốc gia. Việc trên sông Mã có hàng loạt các công trình thủy điện lớn nhỏ cũng đã mang lại nhiều hệ lụy cho người dân sông 2 bên bờ sông, đặc biệt là khi thủy điện chặn dòng và tích nước mỗi khi mưa lũ tràn về. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm