1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguy cơ cháy rừng Lào Cai tăng cao do trời hanh khô

(Dân trí) - Sau khi huyện Sa Pa khống chế thành công đám cháy rừng ở vùng đệm rừng quốc gia Hoàng Liên ngày 10/2, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai chính thức phát đi tin cảnh báo hanh khô và không mưa kéo dài sẽ khiến gây nên cháy rừng.

Theo thông báo từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, từ ngày 10/2 trở đi trên do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây phát triển và tăng lên, tăng mạnh hơn là khu vực phía tây Bắc Bộ trong đó có địa bàn tỉnh miền núi Lào Cai.

Do đó tỉnh Lào Cai trời không mưa, ngày nắng kéo dài khiến nhiệt độ gia tăng, độ ẩm đồng loạt giảm thấp, trời khô hanh.

Đặc biệt, huyện vùng cao Sa Pa nơi vừa xuất hiện vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên ngày 10/2 có gió núi Ô Quý Hồ nổi lên. Gió núi Ô Quý Hồ với bản chất ấm khô, độ ẩm thấp, tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hỏa hoạn nhưng khi xuất hiện gió Ô Quý Hồ làm nguy cơ cháy nổ, cháy rừng tăng cao.


Các  lực lượng cứu hộ huyện Sa Pa khẩn trương dập tắt đám cháy rừng quốc gia Hoàng Liên ngày 10/2/2016 xảy ra trên địa bàn xã Tả Van - (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lào Cai).

Các  lực lượng cứu hộ huyện Sa Pa khẩn trương dập tắt đám cháy rừng quốc gia Hoàng Liên ngày 10/2/2016 xảy ra trên địa bàn xã Tả Van - (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lào Cai).

Dự báo thời tiết hanh khô, trời không mưa ở Lào Cai khả năng kéo dài đến hết ngày mùng 8 tết Bính Thân (tức ngày 14/2/2016). Nhiệt độ các khu vực trong tỉnh tiếp tục tăng cao, độ ẩm giảm thấp hơn, gió Ô Quý Hồ ở Sa Pa thổi mạnh thêm càng tăng nguy cơ cháy rừng nếu không quản lý, bảo vệ rừng tốt.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai phát tin cảnh báo thời tiết cực đoan như trên và đề nghị các cấp chính quyền, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, cùng người dân các huyện trong tỉnh Lào Cai và thành phố Lào Cai cần tăng cường cao nhất công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong thời gian này.

Biện pháp được khuyến nghị là tăng số lần tuần tra, quan sát cháy trong ngày, nhất là khu vực rừng quốc gia Hoàng Liên, các cánh rừng thường hay xảy ra cháy, treo biển cấp báo động cháy hàng ngày nơi cửa rừng để mọi người qua lại được biết, nghiêm cấm triệt để việc đốt rừng để làm nương rẫy, sử dụng lửa trong rừng.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm sau khi tổ chức dập thành công vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa ) ngày 11/2, ông Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Lào Cai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu cơ quan chức năng của huyện Sa Pa và tỉnh Lào Cai khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, thủ phạm làm cháy rừng (xảy ra ngày 10/2 tại xã Tả Van) để xử lý theo quy định pháp luật. Sau đó, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đi thị sát công tác phòng chống cháy rừng ở huyện vùng cao Văn Bàn là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên (Văn Bàn) có nhiều nguy cơ cháy rừng cao của tỉnh Lào Cai.

Cùng thời điểm này, Cục Kiểm lâm phát tin cảnh báo cháy rừng và bản đồ chụp các điểm cháy từ vệ tinh hồi 13h40 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tới 9 điểm cháy tại một số huyện như Văn Bàn có tới 5 điểm cháy ở xã Nậm Chày, ,huyện Mường Khương có 2 điểm cháy ở xã Dìn Chin và xã Lùng Vai, huyện Bát Xát 1 điểm ở xã Dền Sáng, huyện Bảo Yên có 1 điểm cháy ở xã Vĩnh Kiên. Qua đó, đơn vị này đã yêu cầu Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra các điểm báo cháy, nếu là cháy rừng phải tổ chức cứu chữa rốt ráo, hiệu quả.

Phạm Ngọc Triển