1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguy cơ bùng phát dịch từ các chợ quê

(Dân trí) - Kiểm dịch thực phẩm kiểu "có như không" đã được báo chí nhắc đến ở 1 số thành phố, thị xã… còn ở nông thôn thì sao? Để trả lời, chúng tôi về Vĩnh Phúc (giáp Hà Nội), tỉnh luôn được coi là “đất lành” mỗi khi các địa phương khác bùng phát dịch.

Người bán cứ bán, người mua cứ mua

Chúng tôi đến chợ Láng (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên) vào đúng thời điểm hoạt động mua bán tại đây diễn ra tấp nập nhất. Ngay đầu chợ, hàng thịt lợn xếp thành một dãy dài, người bán nhiều và người mua cũng rất đông.

“Thịt ngon này em ơi! Lợn 70kg vừa mổ xong, thịt vẫn còn nóng nguyên”. Nghe mời chào bùi tai, chúng tôi hỏi thịt lợn đã được kiểm dịch chưa thì đều nhận được những câu trả lời giống nhau của các tiểu thương: “Ở đây có dịch đâu mà phải kiểm…”

Thực tế ở các chợ quê, người dân thường cho “đồ tể” giết mổ lợn tại nhà rồi đem ra chợ bán. Một người bán thịt tại chợ Láng tự tin: “Ở quê không cần giấy kiểm dịch… toàn thịt lợn to, khoẻ đề kháng tốt nên không bao giờ bị dịch. Có bệnh hay không thì cả làng, cả xã này vẫn ăn thịt lợn, có sao đâu?”.

Chợ Láng có hàng chục bàn thịt nhưng bàn nào cũng bán rất chạy bởi chẳng ai quan tâm lợn có bệnh hay không? đã được kiểm dịch hay chưa?. Khi được hỏi về dịch bệnh và sự nguy hiểm khi mua thịt không rõ nguồn gốc, chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Công Bình, thị trấn Thanh Lãng) thờ ơ: mình nhìn miếng thịt tươi ngon thì mua, cứ mua, cứ ăn thôi...

Chợ Văn Khê (xã Văn Khê, huyện Mê Linh) tuy nhỏ nhưng lại là một đầu mối bán buôn thịt lợn đi Hà Nội. Hàng ngày, ngoài vận chuyển lợn sống đến các lò mổ, mỗi thợ lợn còn tự “hóa kiếp” khoảng 10 con lợn vừa để mang đi Hà Nội, vừa để bán lẻ tại chợ quê và… không hề có kiểm dịch nào cả.

Khi đề cập đến vấn đề này thì các chủ hàng thịt đều khẳng định: “Ở đây không có dịch, chưa bao giờ có dịch”. Ở chợ Văn Khê hôm chúng tôi đến thực tế không hề thấy bóng dáng một cán bộ nào đi kiểm dịch, kể cả xuất buôn đi Hà Nội cũng không có kiểm dịch.

Đáng nói hơn cả là ở chợ Yên (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), một khu chợ đầu mối lớn, giáp ranh với thủ đô Hà Nội nhưng tình trạng mua bán thực phẩm “vô kiểm” cũng tràn lan như những chợ quê khác. Nói đến chuyện kiểm dịch, PV chỉ nhận được những điệu cười “nhạt” và tỏ vẻ coi thường dịch bệnh.

Bất cập trong công tác kiểm dịch

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Na, Chủ nhiệm HTX Thú y, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thị trấn Thanh Lãng thừa nhận: Địa phương chưa làm được công tác kiểm dịch sát sinh; kiểm dịch tại chợ cũng không làm thường xuyên nên không nắm được số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ một ngày là bao nhiêu. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi không đóng dấu kiểm dịch trên thực phẩm...

“Thực tế chúng tôi không được quan tâm cả về phụ cấp công tác và các trang, thiết bị chuyên dụng trong kiểm dịch vì thế chúng tôi phải làm thêm những công việc khác để kiếm sống nên không có thời gian để đi kiểm dịch liên tục” - bà Na giải thích.

Được biết từ năm 2003 đến nay, thị trấn Thanh Lãng đã nhiều lần phát hiện có lợn bệnh, lợn chết được giết mổ và bày bán tại chợ. Ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Ban công an kiêm Trưởng Ban kiểm tra VSATTP cho biết: giữa năm 2007, chúng tôi phát hiện 1 cơ sở đang chuẩn bị mổ bán lợn bệnh. Trước đó, cũng phát hiện một vụ thịt lợn chết được vận chuyển từ nơi khác về bán ở chợ Láng và đã lập biên bản tiêu huỷ ngay.

Giữa lúc vấn đề VSATTP đang được đặt lên hàng đầu thì tình hình mua bán và sử dụng thực phẩm ở nông thôn vẫn diễn ra một cách “trôi nổi”, không có sự kiểm soát. Xem ra nguy cơ bùng phát những trận đại dịch mới từ các chợ quê đang là điều phải báo động...

Châu Như Quỳnh