1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Người Việt thường tin vào số phận, dễ chùn bước khi gặp khó khăn!"

(Dân trí) - "Người Việt có lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi thiên nhiên, thời tiết lại luôn thất thường. Trong quá trình sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi,... nên người Việt dễ chùn bước khi gặp khó khăn" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Mới đây, tại hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia, chỉ ra nhiều "thói hư, tật xấu" của người Việt.

Theo ông Sơn, ý tưởng về sự hòa hợp với thiên nhiên trong lý thuyết của các tôn giáo, tín ngưỡng đã trang bị cho người Việt một nhận thức về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục cải tạo tự nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai,...

Song, chính sự bởi sự gắn bó, thân thiện, hòa mình vào thiên nhiên, với trời đất đã dẫn đến việc hình thành lối sống lệ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên ưu đãi cả người Việt. Từ đó, dễ sinh ra lười biếng lao động và giản lược hóa một cách thực dụng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thiếu ý thức trong việc vừa khai thác, vừa biết tái tạo, và trong quá trình sống của mình, người Việt dường như đã quay lại với môi trường sống tự nhiên của chính mình.

55711555_321062831933709_6397419637830582272_n.jpg

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia. 

"Lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi đó tự nhiên, thời tiết thì lại luôn thất thường, đỏng đảnh. Đối diện với sự biến thiên đó, đáng lý người Việt phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên, người Việt lại quá lệ thuộc vào trời, nên trong quá trình lối sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến người Việt thường dễ chán nản, chùn bước khi gặp khó khăn" - ông Sơn phân tích.

Cũng theo ông Sơn, lối lao động, sản xuất chỉ biết dựa vào tri thức kinh nghiệm về thời tiết, về trông mong ở trời đất của người Việt truyền thống khiến cho người Việt Nam hiện nay thiếu ý thức nghiên cứu khoa học trong sản xuất.

Không say mê nghiên cứu khoa học

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, do chịu ảnh hưởng bởi văn hóa với những chuẩn mực về sự tiết độ, dùi mài kinh sử để vượt qua các kỳ thi đảm bảo cho mình một địa vị xã hội để hưởng vinh hoa, phú quý nên người Việt học hành thường không đến nơi, đến chốn. 

"Theo các cuộc điều tra xã hội học, số người Việt đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều, mà họ đến đó đọc sách hay học tập để thi, để hoàn thành một chứng chỉ, hay làm xong một việc nhất định nào đó rồi bỏ đấy. Do đó, khi học tập, nghiên cứu, người Việt nặng nề về giáo điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết có sẵn. Với lối học tầm chương, trích cú đó đã trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn tới thiếu tự ti, không dám vượt bỏ quá khứ" - ông Sơn nói.

Một nhược điểm nữa của người Việt cũng được PGS.TS Sơn chỉ ra là, chính tư duy thiên về kinh nghiệm (trăm hay không bằng tay quen) đã tạo nên lối sống cho người Việt nặng nề về gia trưởng, lão quyền (người cao tuổi được coi là người có kinh nghiệm sống hơn cả) nên trọng trưởng, khinh ấu. Với cách nghĩ và cách làm theo kinh nghiệm thì hoạt động của con người thường hướng về quá khứ, bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, thường tìm cách phủ nhận năng lực của người đi sau (mặc dù trong thâm tâm biết rằng họ hơn mình).

"Do ảnh hưởng của văn minh coi trọng tinh thần, khi chê vật chất (vì nó là tầm thường hạ đẳng) nên người Việt cũng hình thành thói hư danh, ảo tưởng, sĩ diện. Người Việt Nam thường giấu đi cái nghèo, cái khổ (đói cho sạch, rách cho thơm) nên không mấy người Việt thú thật được nỗi cực nhọc, vất vả đã từng phải chịu đựng, từ đó dẫn đến thòi  kiêu căng"  - PGS.TS Sơn nói thêm.

Nguyễn Dương