Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới
Người Việt Nam dẫn đầu thế giới về mức độ tin tưởng vào tương lai tươi sáng, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Gallup International (GIA) tại 53 nước về mức độ lạc quan của người dân thế giới trong năm 2007.
Theo đó, cứ 100 người Việt Nam được hỏi ý kiến thì có đến 94 nói họ tin cơ hội việc làm và kinh tế đất nước năm nay sẽ khá hơn năm trước.
Mức độ lạc quan đặc biệt cao ở những nước có triển vọng kinh tế tươi sáng và ít có nguy cơ thất nghiệp, theo GIA. Tại Việt Nam, gần một nửa (49%) những người trả lời khảo sát tin năm nay sẽ có ít người bị thất nghiệp hơn năm ngoái. Ở Hong Kong, con số đó là 59%, ở Singapore là 35%. Cả hai nơi này đều nằm trong danh sách những quốc gia, vùng lãnh thổ lạc quan nhất thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cơ sở của sự lạc quan ở Việt Nam là sự ổn định về chính trị, xã hội và sự cải thiện từng bước của nền kinh tế. Ông Chris Morley, Giám đốc điều hành của Hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen Vietnam, nói: “Kết quả trên là có cơ sở vì lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng đều trong vài năm gần đây”.
Lạc quan nhất: “Năm 2007 sẽ tốt hơn năm 2006?”
1. Việt Nam: 94%
Bi quan nhất: “Năm 2007 sẽ xấu hơn năm 2006?”
1. Hy Lạp: 44% |
Tuy nhiên, theo TS Doanh, thu nhập của người dân Việt Nam vẫn thấp hơn và cuộc sống vẫn khó khăn hơn so với những nước bi quan hơn Việt Nam. Ngoài ra, tỉ lệ lạc quan của Việt Nam có thể cao hơn bình thường vì GIA đã khảo sát vào tháng mười một và mười hai, giữa lúc người dân đang vui mừng Việt Nam vào WTO.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, lòng tin của dân là một vốn quí mà nhiều nước khác không có được, là tài sản cần biến thành động lực mạnh mẽ, hành động thiết thực để thúc đẩy cải cách, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh. Ông nói: “Lãnh đạo các cấp phải đáp ứng các mong đợi lạc quan đó và không để người dân bị thất vọng vì không đạt được sự trông đợi”.
Báo cáo của GIA cũng cho thấy người Việt Nam lạc quan nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới. Trong gần 49.000 người trên toàn cầu được khảo sát, chỉ có 43% tin rằng năm 2007 sẽ tốt hơn năm 2006.
Ngược lại, châu Âu và Trung Đông là khu vực mà người dân bi quan nhất về triển vọng kinh tế 2007. Hy Lạp bi quan nhất. Còn ở Iraq và Afghanistan, mức độ lạc quan của người dân đã giảm mạnh: từ 69% năm ngoái xuống 45% (Afghanistan) và từ 49% xuống 33% (Iraq).
Vào tháng 10/2006, ACNielsen cũng có cuộc khảo sát tương tự GIA, kết quả cho thấy giới trẻ Việt Nam cũng lạc quan, nhưng nghiêng nhiều về triển vọng kinh tế đất nước hơn là triển vọng tài chính của bản thân (personal finance).
“Điều này có nghĩa là giới trẻ Việt Nam vẫn đang mong một sự thay đổi cụ thể đối với tương lai họ” - ông Morley nói.
Theo Minh Huy
Tuổi Trẻ