Chín cái răng tìm gặp “ác quỷ” nhà tù Phú Quốc
Đầu tháng 12/2010, lần đầu tiên sau hơn 40 năm thoát khỏi cái nhà tù đã tra tấn đến chết 4.000 người tù cộng sản, yêu nước, ông Vũ Minh Tằng đã trở lại đảo Phú Quốc, thực hiện “cuộc gặp lịch sử” với “ác quỷ” Bảy Nhu.
Trong phóng sự Người về từ "địa phủ" và 9 chiếc răng lưu lạc Dân trí đăng ngày 27/7/2010, chúng tôi đã kể về số phận thảm thương của một chiến sĩ cộng sản kiên trung trở về từ “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi tiếp tục đăng thông tin tiếp theo về cuộc gặp gỡ giữa "người về từ địa phủ" Vũ Minh Tằng và kẻ từng được mệnh danh là "ác quỷ" ở nhà tù Phú Quốc.
“Tôi chỉ đi tàu bay hai lần, hai lần đều bị còng tay và bịt mắt”
Ngay từ khi đọc những dòng miêu tả hiếm hoi của chúng tôi về cảnh sống hiện tại của viên “thượng sĩ bẻ răng” khét tiếng Bảy Nhu, nhiều độc giả đã bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc gặp “nảy lửa” giữa ông Tằng và “quỷ sống”. Hình ảnh Nhu và thuộc cấp sáng tạo ra “trò chơi” ghè răng hàng chục, hàng trăm người tù, rồi thu gom răng “tươi” lại, để trong những cái ống bơ sắt, đeo trước cổ, mỗi bước đi lại phát ra tiếng kêu lóc xa lóc xóc đó, có lẽ nó còn khiến nhân loại tiến bộ mãi mãi “không tin được dù đó là sự thật”. Ông Vũ Minh Tằng được độc giả về tận xã Vĩnh Hào (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tặng xe lăn, tặng tiền, quà, trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Ông Tằng, sau gần 40 năm mới có dịp trở lại nhà tù Phú Quốc, điạ ngục trần gian từng tra tấn mình chết đi sống lại, tàn phế suốt đời. |
Đặc biệt, hai độc giả ở Quảng Ngãi và TP.Hồ Chí Minh còn “liên kết” với nhau, hùn tiền sắm cho người tù bị bẻ 9 cái răng phải ăn cháo suốt hơn 40 năm kia một bộ răng giả làm bằng chất liệu và công nghệ Nhật Bản, tổng chi phí hơn 30 triệu đồng. Ngôi nhà dột nát của vợ chồng ông Tằng cũng đã được sửa sang, nâng cấp, đổ mái, lát nền.
“Bốn mươi năm nay, cái đêm “thằng” Nhu tra tấn tôi đó, lúc nào nó cũng hiện về. Nhu đánh tôi đến mức, không còn cái răng để mà ăn nữa" - ông Tằng nuốt cục uất hận qua yết hầu còm nhom của người bệnh nặng 38kg, tiếp: “Tôi bảo với cái cô tặng răng cho tôi là: Tôi già rồi, sống nay chết mai, cô đừng bỏ tới 30 triệu mà làm răng cho tôi nữa, tôi có được nhai mấy bữa nữa đâu mà các cô phung phí thế”.
Khách dò theo địa chỉ bài báo viết đến thăm ông Tằng rất đông, có vị “hàm cấp” như Trung tướng Lê Khoa, có vị chỉ là người bán rau cỏ ở Hà Nội; có lẽ, đặc biệt nhất trong số đó là ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội. Ông Sỹ và đoàn về tặng 20 triệu đồng, cùng ý tưởng: Đưa người tù có “chín cái răng lưu lạc” vào lại đảo Phú Quốc gặp viên cai ngục đã tra tấn ông. Ông Sỹ xúc động lắm. Vì tổ chức cho 100 anh em tù cộng sản đào hầm vượt ngục, băng qua sóng biển vào đất liền tiếp tục hoạt động, mà ông Tằng bị Bảy Nhu và đám quân cảnh bắt lại, tra tấn bằng những hình thức dã man nhất. Thậm chí bắt ăn cơm, uống nước có trộn máu và... phân người.
Ông Vũ Minh Tằng (giữa) khởi hành trở lại Phú Quốc gặp "ác quỷ" Bảy Nhu. Ảnh: Đ.D.H |
Dự kiến, mỗi người chúng tôi phải đi mất ít nhất 4 chặng bay trong toàn bộ hành trình đi và về (từ Hà Nội quá cảnh qua TP.Hồ Chí Minh, trước khi bay ra đảo Phú Quốc), ông Tằng nghe lộ trình, cứ thế ngồi bần thần vò đầu bứt tai rồi... dăn deo gương mặt lại, lau nước mắt. “Chú Hoàng ơi. Tính đến giờ, 73 tuổi đầu, đời tôi được đi máy bay đã hai lần, cả hai lần đều tinh có đi máy bay của bọn đế quốc. Nó đều bịt mắt, xiên tay tôi vào tay đồng đội bằng dây thép. Lần đầu đi từ Bệnh viện Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bay thẳng ra nhà tù Phú Quốc. Lúc ấy tôi vừa bị nó bắn, thả hơi cay ở hang Đá Chẹt ngoài Quảng Ngãi, còn chưa tỉnh hẳn. Lần thứ hai nó cũng bịt mắt, ấy là khi nó đem tôi từ nhà tù về Quảng Trị “trao trả tù binh”, theo Hiệp định Paris, nó cũng bịt mắt và còng tay. Bây giờ, đi máy bay có vất vả lắm không hả chú?”. Nghe xong, ai cũng rùng mình, có người bật cười chua xót.
“Đợi tôi rủ 8 cái răng đi cùng”
Hôm xe về Nam Định đón ông Tằng ra sân bay Nội Bài, cả vùng quê huyên náo với cuộc tiễn đưa, bà vợ già còng gập, chân tay phù nề vì bệnh thấp khớp của ông Tằng thì cứ thảng thốt ra ra vào vào, đã lâu lắm rồi, cặp vợ chồng già hầu như không xa nhau đến 1 ngày. Ông Tằng rủ rỉ: “Bà ở nhà, tôi lên chỗ bảo tàng xin lại 8 cái răng, đem nó vào cho thằng Nhu xem, kẻo vào gặp nó lại cãi bay cãi biến. Cái bọn suốt đời hỏi cung, tra tấn, ép cung người khác như thế, là nó gian manh lắm bà ạ”. Trời tối mịt, cặp mắt bị mờ vì các trò tra tấn của cai ngục, giờ đeo kính 13 đi ốp vẫn chẳng nhìn thấy gì, mà ông vẫn một mực dẫn đường bắt chúng tôi phải ghé qua “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày” ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội để... xin lại “8 cái răng lưu lạc” (một cái có chân đế nhọn hoắt vẫn “nhởn nhơ” mắc lại trong... bụng ông Tằng không chịu “ra”, nay đã siêu âm thấy).
Cuối cùng thì viên cai ngục Bảy Nhu đã phải thú nhận toàn bộ tội lỗi, kèm theo lời xin được bao dung. "Văn bản" có thủ bút, chữ ký của Bảy Nhu giờ đã được treo trong bảo tàng (kèm theo chữ ký của một vị Anh hùng từng bị Nhu tra tấn, chữ ký của Bí thư huyện ủy Phú Quôc, lãnh đạo Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc - những người chứng kiến...). |
Không biết trên thế giới này có ai được người làm bảo tàng vận động hiến răng để trưng bày như ông Tằng không nhỉ? Chùm răng bị Bảy Nhu vặn, bắt nuốt rồi “dị hóa” ra, bí mật giữ 40 năm qua của ông Tằng đang được bày lên mặt một lá thư tay do ông Tằng “thủ bút”, tất cả nằm trong tủ kính bọc vải điều, rất trang trọng.
Ông Lâm Văn Bảng - “ông chủ” xây dựng và quản lý bảo tàng nghe trình bày việc ông Tằng xăng xái đi... mượn chùm răng, đem ra đảo Phú Quốc “ném vào mặt Bảy Nhu”, bỗng dưng đau đớn ngồi thụp xuống góc vườn, thở dốc. Ông ngồi như một pho tượng đồng trước ban thờ các tử sĩ của nhà tù Phú Quốc. Ông Bảng cũng là một cựu tù khốn khổ từ cái địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc đó sống sót trở về. Ông Tằng thì vào trò chuyện thủ thỉ với đám răng của mình. “Răng à, tao muốn mang chúng mày ra ngoài đảo, đặt tất cả trước mặt thằng Nhu, rằng, mày đã dùng ống tuýp sắt ghè gẫy từng cái răng của tao, bắt tao uống máu tao, nuốt răng tao, rơi cái gì ra ngoài là mày giết tao. Đống răng của tao đây, mày còn cãi được không, hả thằng Nhu!”.
Có khi ông Tằng nổi nóng thọc tay vào miệng rút hàm răng giả ra, nói rằng "lũ quỷ các ông" đã nhổ răng tôi, nhổ hết 9 chiếc trong một đêm rồi bắt tôi phải nuốt cả răng lẫn máu vào bụng. |
Tôi (người viết bài này) phải góp ý nhiều lần, rằng là chúng tôi tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai người ở đỉnh trời và đáy vực, hai người là thiên thần và quỷ dữ, một bên là sắt son yêu nước, một bên là tận cùng tàn độc với đồng bào máu đỏ da vàng của mình..., chúng tôi tổ chức không phải để khoét sâu hận thù hay để khêu máu hiếu kỳ cho ai đó. Mà để hai bên hiểu nhau, mà để tha thứ, bao dung và để trung thực ghi lại một “bối cảnh” không thể nào tưởng tượng được giữa hai “nhân vật lịch sử” đã gây quá nhiều xúc cảm không giống nhau trong lòng rất rất nhiều người.
Cuối cùng thì ông Tằng cũng đồng ý, sẽ xưng “tôi” và “ông” khi gặp Bảy Nhu, đồng thời không mang theo chùm răng đang gửi ở bảo tàng kia đi ra đảo Phú Quốc.
Cái bắt tay, sự thanh thản của ông Vũ Minh Tằng và Bảy Nhu, "người của hai chiến tuyến", sau gần 40 năm... người nọ không tin người kia là còn sống. |
Bảy Nhu là một người cô độc, lẩn tránh mọi người đến mức, các gã xe ôm gần nhà ông ta, các hướng dẫn viên 15 năm đưa khách du lịch từ Hà Nội vào nhà tù Phú Quốc cũng chưa bao giờ “được” gặp ông ta. Hầu hết mọi người không biết ông ta còn sống. Khi nín thở “trinh sát”, bố trí cho cuộc gặp của ông Tằng với Bảy Nhu, tôi thật sự không một phút nào dám tin mình sẽ thực hiện được lời hứa với một số độc giả, cho đến khi... ông Tằng đi qua đàn chó hung dữ sủa ầm ầm bước vào nhà ông Nhu và Bảy Nhu ngơ ngác, lẩy bẩy, đứng dậy hỏi “Ông là ai?”.