1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

40 năm ngày giải phóng Khe Sanh:

Người Vân Kiều vác tăng vào trận chiến

(Dân trí) - Trước lễ kỷ niệm 40 năm đại thắng Đường 9 - Khe Sanh, người dân Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) như sống lại không khí chiến đấu hào hùng của những chàng trai dân tộc Vân Kiều, mình trần chân đất, đạp đá băng rừng giúp bộ đội gùi xe tăng vào trận chiến...

Đoàn quân gùi tăng

 

Đất, trời và lòng người Khe Sanh những ngày này như trải rộng hơn để đón chào những dòng người ngược xuôi, tấp nập về đây thăm lại chiến trường xưa. Hòa trong dòng người ấy, chúng tôi tìm về xã Thuận, gặp những chàng trai năm xưa - nay đã là các lão nông - gùi những chiếc xe tăng vào trận chiến.

 

Trước thềm nhà, ông Hồ Mo, hơn 80 tuổi, đang dò dẫm từng bước đi lên cầu thang nhà sàn: “Mắt bố dạo này mờ rồi, không làm chi được nữa nhưng cách đây 40 năm, thì mắt bố sáng lắm. Giữa đêm tối, bố cùng với một số anh em chẳng cần đèn mà vẫn gùi xe tăng vượt qua gần 20km đường rừng, giúp bộ đội đánh thằng Mỹ đó”.

 

“Hồi đó bố là dân quân du kích, được bộ đội giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn cùng một số anh em như Hồ Cun, Hồ Bố, Hồ Mang... ở xã Thuận, xã Thanh, cứ đêm đến là giúp bộ đội gùi, vận chuyển các bộ phận như đạn, bình điện, xích tăng... đi qua các làng đến các điểm đã được bộ đội định sẵn, để chuẩn bị đánh Mỹ”, ông Hồ Mo bồi hồi nhớ lại.

 

Ông Hồ Bố cũng vội chen vào: “Hồi đó thằng Mỹ ác lắm con ơi, nó thả pháo sáng, sáng cả trời cho tới sáng, nên nhiều lần không thể gùi tăng đi được, nhất là đoạn gần tới nơi ở Piệc Húc - Làng Troi, bố và nhiều anh em khác đành phải giấu các bộ phận xe tăng, chờ đêm sau ra gùi đi tiếp.

 

Cứ thế hết đêm này đến đêm khác, người gánh, người gùi. Bộ phận nào quá nặng gánh, gùi không nổi thì phải cho lên thuyền độc mộc đẩy đi theo sông Sê Pôn. Có khi một đêm phải thay liền mấy cây đòn gánh do bị gãy vì gánh quá nặng. Hồi ấy, dân làng đói không có gì ăn nhưng vẫn thay nhau đi gùi tăng cho bộ đội ròng rã một năm liền và đưa được nhiều xe tăng vào vị trí, chờ giờ đánh Mỹ”.

 

Người Vân Kiều vác tăng vào trận chiến - 1

Hồ Mo và Hồ Bố - những chiến sĩ gùi tăng năm xưa. 

 

Từ ngày 14/10 đến ngày 21/12/1967, Tiểu đoàn 198 xuất phát từ Lương Sơn (Hòa Bình) bí mật hành quân vào chiến trường Khe Sanh. Sau 50 ngày đêm hành quân vượt hơn 1.000 km đường rừng Trường Sơn đầy hiểm trở, đại đội xe tăng đã có mặt ở một bản nằm sát biên giới Việt - Lào.

 

Được sự giúp sức vô cùng to lớn của người dân tộc Vân Kiều, các phương tiện cơ giới tham gia cuộc tiến công vào Làng Vây đã vào được các vị trí chiến lược, chờ “giờ G” là khai hỏa...

 

Niềm kiêu hãnh

 

Ông Pả Thương, Bí thư xã Thuận, cho biết: “40 năm qua, trở lại cuộc sống đời thường, đoàn quân gùi tăng năm xưa với ý chí, lòng bền bỉ đã lên nương, lên rẫy miệt mài tạo nên những nương ngô, nương sắn cho sự sống mới. Các ông đã truyền sức sống ấy, ý chí ấy cho bao lớp con cháu của dân làng, lấy đó làm gương mà học tập, phấn đấu vượt qua khó khăn để chiến thắng được cái đói, cái nghèo”.

 

Người Vân Kiều luôn tự hào và trân trọng những kỷ vật đã làm nên chiến thắng Làng Vây, Khe Sanh, xem đó là biểu tượng cho lòng kiên trung, dũng cảm: con thuyền độc mộc, mái chèo, dây võng tăng và những cây xà - rong đòn gánh bị gãy...

 

Ông Hô Bố tự hào khoe: “Vừa qua, bà con dân bản đã nhất trí tặng toàn bộ những kỷ vật này cho binh đoàn tăng thiết giáp đưa ra Bảo tàng Quân đội trưng bày, giới thiệu cho nhân dân trong nước và quốc tế. 40 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ đúng dịp tháng 4, tháng 7, thanh niên, trai gái trong làng thường kéo đến tụ tập tại nhà các lão nông Hồ Mo, Hồ Mang... để nghe kể chuyện truyền thống đánh giặc năm xưa, tận mắt nhìn và sờ vào những kỷ vật của cha ông, xem đó là một niềm kiêu hãnh lớn”. 

 

Ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết: “Sắp tới, huyện  tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa (9/7/1968 - 9/7/2008) với chương trình “Khe Sanh ngày mới”, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình TW.

Và câu chuyện những lão nông người dân tộc Vân Kiều gùi tăng năm xưa sẽ được người dân cả nước biết đến qua những lời kể của chính các ông.

 

Nguyên Anh