Người ứng cử đại biểu Quốc hội không được tự vận động bầu cử?

(Dân trí) - Trình dự án luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Ban Công tác đại biểu đề xuất quy định, trong hồ sơ của những người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố nơi họ cư trú.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Hà Minh Sơn lập luận, người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Cho ý kiến về nội dung này, các thành viên UB Thường vụ Quốc hội cho rằng đưa vào quy định này là không cần thiết và thực tế cũng khó khả thi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo quy trình hiện tại người tự ứng cử vẫn phải qua các bước sàng lọc, vì phải qua Mặt trận rồi sau đó Mặt trận đưa về cử tri.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội không được tự vận động bầu cử?
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng các cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XIII năm 2011.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét: “Người dân có quyền tự ứng cử cho nên thêm vào điều kiện ít nhất 30% cử tri giới thiệu là không cần thiết. Vấn đề là bộ lọc để chọn người tốt, đủ điều kiện. Việc xác nhận hồ sơ mới quan trọng”.

Chủ tịch HĐ Dân tộc Quốc hội Ksor Phước nêu kinh nghiệm cá nhân khi đã từng ứng cử cả Quốc hội và HĐND mấy khóa, dự các hội nghị của tổ dân phố để cho ý kiến về người ứng cử thì thấy các cuộc tiếp xúc này đều chỉ có đại diện người dân tham dự, tỷ lệ chắc chắn không đạt 30% số công dân trong tổ dân phố. Vậy thì lấy đâu ra toàn bộ người dân trong tổ dân số để mà có 30% người giới thiệu?

Tờ trình về dự án luật cũng nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo, chưa mở cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tự mình vận động bầu cử. Theo đó, dự thảo luật quy định chỉ có hai hình thức vận động là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan soạn thảo cho biết, cũng có ý kiến đề nghị quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri nhưng nhiều ý kiến khác lo rằng việc này sẽ là bất lợi cho người được giới thiệu so với người tự ứng cử.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Hà Minh Sơn nhấn mạnh, thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác.

Về hồ sơ người ứng cử, Ban Công tác đại biểu cho biết một số ý kiến đề nghị để đảm bảo chặt chẽ hồ sơ người ứng cử, cần bổ sung thêm phiếu lý lịch tư pháp.

Phó Trưởng Ban Hà Minh Sơn dẫn chứng, thực tiễn các cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, hồ sơ ứng cử, nhất là của người tự ứng cử, không làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những thiếu sót nhất định. Nhiều người tự ứng cử là chủ doanh nghiệp tư nhân, sơ yếu lý lịch do “cơ quan công tác” là chính doanh nghiệp của người đó tự xác nhận, không đảm bảo độ chính xác, thiếu tính chất pháp lý. Vì vậy, cần bổ sung lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị hồ sơ ứng cử cũng cần có bản kê khai tài sản và xác nhận của Mặt trận Tổ quốc về người ứng cử trên địa bàn. Tờ khai cũng phải được thiết kế khoa học hơn.

P.Thảo