1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người thương binh nửa đời đào giếng thuê, nuôi con thành tài

(Dân trí) - Cả hai ông bà đều là thương binh 1/4, phải nuôi mẹ già bệnh tật, một người con bị chất độc da cam. Đời sống khó khăn, kinh tế cạn kiệt. Nhưng nhờ sức chiến đấu bền bỉ của những người lính Cụ Hồ, đôi vợ chồng thương binh già đã vượt qua nỗi đau để viết nên câu chuyện cổ tích nơi thị trấn Huơng Khê, Hà Tĩnh.

Đôi vợ chồng thương binh

 

Nằm trong khu phố 10 thị trấn Hương Khê, ngôi nhà của hai vợ chồng thương binh già Phan Văn Cương và Trần Thị Chiến khá khang trang, thoáng mát. Nhớ lại quá khứ, ông Cương kể: Chỉ ít ngày sau khi cưới bà, ông đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở đơn vị tác chiến Pháo cao xạ thuộc Binh chủng phòng không không quân.

 

Đầu năm 1972, trong một trận càn, đơn vị ông trúng pháo tập kích của địch. Ông quay lại cứu đồng đội thì bị trúng đạn pháo. Vết thương quá nặng nên đơn vị phải thuyên chuyển ông lại tuyến sau. Cứ tưởng ông sẽ không còn được cầm súng chiến đấu nữa nhưng chỉ sau ít tháng điều trị, ông lại xin về đơn vị cũ, tiếp tục chiến đấu cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

Chiến tranh kết thúc, khi các đồng đội vui mừng trở về với gia đình, quê hương thì ông cùng vợ (cũng là một thương binh) lại phải vào chữa trị và trại an dưỡng dành cho thương binh của tỉnh Nghệ An. Năm 1990, hai vợ chồng thương binh Phan Văn Cương - Trần Thị Chiến rời trại trở về quê.

 

Niềm vui đoàn tụ chưa dứt, nỗi âu lo đã đè lên đôi vai nặng trĩu. Người mẹ già thường xuyên đau ốm, đứa con thứ nhiễm chất độc da cam, ngày nào cũng bị căn bệnh tai ác hành hạ. 7 miệng ăn trông chờ vào 2 thương binh đau ốm, không tiền trợ cấp.

 

Doanh nhân không vốn

 

Nhiều lúc tưởng như bế tắc, rồi ông chợt nghĩ: “Mình đã từng vào sinh ra tử, gian khó trăm bề cũng chịu đựng được, không lẽ trong cuộc sống đời thường lại không đủ sức vượt qua?”.

 

Những ngày ngược xuôi lo toan cuộc sống, tình cờ ông phát hiện người dân huyện Hương Khê rộ lên phong trào đào giếng nước chống hạn. Sẵn tay nghề hồi còn trong quân ngũ, ông vận động những người dân đang thất nghiệp trong khối phố thành lập một nhóm thợ đi đào giếng thuê. 

 

Không vốn liếng, máy móc kỹ thuật, ông Cương chỉ vận dụng kinh nghiệm của mình từ hồi ở chiến trường. Những thành viên khác trong đội của ông cũng làm việc hết sức mình vì niềm vui được giúp dân nghèo có nước dùng.

 

Bước đầu, đội quân đào giếng của người cựu chiến binh già chỉ nhận những giếng nhỏ, kinh phí ít, giá rẻ để vừa làm vừa tăng kinh nghiệm, vừa giúp dân có nước sinh hoạt hằng ngày. Mới vào nghề cũng gặp nhiều khó khăn, có giếng đào mãi không thấy nước, có giếng đào lên chỉ thấy đá,... Biết bao cái giếng phải bỏ giữa chừng nhưng người dân nơi đây không ai không quý mến đội đào giếng của ông Cương.

 

Dần dần, khi đã lấy được niềm tin, đoàn của ông làm không hết việc. Từ năm 1993, ông bà đứng ra làm chủ. Tiếng là chủ nhưng còn nghèo lắm, thậm chí mới đây thị trấn còn phải hỗ trợ ông bà 10 triệu đồng để dựng căn nhà cấp bốn.

 

Tài sản vô giá của đôi vợ chồng nghèo

 

Tôi vẫn còn nhớ lời ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Hương Khê: “Ở thị trấn ni nhiều người lắm tiền nhiều của lắm, nhưng nói thiệt không ai giàu như gia đình bác Cương. Gia sản của ông bà ai nhìn cũng thèm, đó là 3 đứa con chăm ngoan học giỏi”. 

 

Trên bức tường của căn nhà cấp 4 treo kín bằng và giấy khen. Cô con gái đầu lòng Phan Thị Thu Hà 12 năm là học sinh giỏi, giờ đã học lên thạc sĩ triết học của trường ĐH Sư phạm Vinh. Thành tích học tập của đứa con thứ ba Phan Văn Sơn còn đáng tự hào hơn: luôn là học sinh phổ thông có thành ttích học tập cao nhất huyện. Khi là sinh viên đại học, Sơn là một trong 10 gương mặt ưu tú nhất của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện Sơn đang bảo vệ tấm bằng thạc sĩ khoa tự động hoá của trường. Người con út hiện đang theo học tại ĐH Hồng Bàng, hè này em đi phiên dịch thuê cho một công ty ở Thanh Hoá.

 

Hỏi bí quyết vượt khó nuôi con thành tài, ông Cương bà Chiến nói đó là nhờ sức học tập của các cháu. Câu trả lời khiêm tốn, giản dị không làm tôi thoả mãn. Tôi tự tìm hiểu và được biết đôi vợ chồng thương binh già đã đề ra quy định: không ăn sáng, mỗi ngày bỏ lợn tiết kiệm 20.000 đồng, dành tiền nuôi các con ăn học.

 

Minh San - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm