1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người thương binh “mê” làm từ thiện

(Dân trí) - Từ mờ sáng, khi cả nhà còn ngon giấc, ông đã vội dậy đi lo đám tang cho một người trong phường vừa qua đời. Đôi chân tập tễnh dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, đôi tay run run, chiếc xe liệng qua liệng lại trên đường, nhưng ông vẫn đến đám tang đúng giờ.

Tập tễnh đi làm từ thiện

 

Hễ nghe trong phường có người nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa… vừa qua đời là y rằng người thương binh Nguyễn Văn Giám (81 tuổi) - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - có mặt ngay, tổ chức tang lễ chu đáo, đưa người qua đời về nơi an nghỉ cuối cùng. Người ta thường bảo ông Giám là người “đến trước, đi sau”. Đến trước bởi vì ai có việc gì cần giúp đỡ thì ông đến nhanh lắm còn đi sau là ông phải sống để lo ma chay cho những người mất.

 

Tuổi già, sức yếu, đôi chân đi lại vất vả thế nhưng không ngày nào ông chịu ngồi nhà. Ở đâu còn khó khăn là ở đó có bàn chân của người thương binh già ấy.

 

Rời quân ngũ năm 1982, ông về tham gia công tác tại địa phương. Được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố và làm bí thư chi bộ nơi ông sống, ông luôn tích cực trong công việc của mình. Với tinh thần trách nhiệm cao và phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, ông đã cùng chi bộ động viên bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Chỉ gần 2 năm làm tổ trưởng dân phố, đời sống của bà con nơi đây đã khá hơn, nhiều hộ thoát nghèo.

 

Năm 1998, ông được bầu làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Thanh Bình, ông càng có cơ hội để tiếp cận, giúp đỡ những gia đình khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật, các em học sinh mồ côi nghèo…

 

Ngày nào cũng thế, sáng ra là ông đi, đến trưa về ăn vội miếng cơm rồi lại đi tiếp. Vợ con ông nhiều khi cũng không biết ông đi đâu mà đi nhiều thế. Phường Thanh Bình có 18 khu dân cư thì không có chỗ nào vắng bóng ông. “Có đi mới hiểu được cuộc sống của những người khó khăn, những người già neo đơn, những em học sinh mồ côi nghèo”, ông bảo.

 

Dù ít dù nhiều, trong người ông lúc nào cũng có tiền dự phòng. Thấy ai khó khăn ông cũng sẵn sàng giúp đỡ. Có nhiều ông giúp nhiều, có ít ông giúp ít. Nếu không đủ giúp thì ông đi vận động các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân giúp đỡ thêm. Nhiều em học sinh nghèo khuyết tật nhờ ông mà có chiếc xe lăn, nhiều người già neo đơn, gia đình khó khăn được giúp đỡ…

 

Các em học sinh mồ côi nghèo là đối tượng được ông quan tâm nhiều nhất. “Bọn nhỏ mà không được đi học thì tội lắm”, ông tâm sự. Tình cảm ông dành cho các em như người ông đối với đứa cháu của mình. Mỗi tháng ông trích 500 ngàn đồng từ lương hưu để giúp đỡ 4 em học sinh mồ côi nghèo mua sách vở. Ông còn thường xuyên đến nhà động viên, thúc giục các em học hành.

 

Ngoài ra, ông còn nhận giúp đỡ, cấp gạo cho các anh N.T.N (25 tuổi) và L.V.D (26 tuổi) bị nhiễm HIV, động viên, tạo điều kiện cho họ kiếm việc làm.

 

Người thương binh năm ấy

 

Ông Nguyễn Văn Giám sinh ra và lớn lên tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, như bao thanh niên khác, hai vợ chồng ông hăng hái tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông trở lại chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu, để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ nơi đất khách quê người. Mãi đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, gia đình ông mới đoàn tụ.

 

Là lính quân khu V, chiến thắng Vạn Tường (năm 1965) không thể không có mặt của anh lính trẻ năng nổ ấy. Ngày 18/8/1965, quân Mỹ mở cuộc hành quân với một lực lượng hùng hậu gồm nhiều binh chủng hợp thành, một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh hiện đại để biến Bình Hải và các xã khu đông huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thành bãi tha ma, không còn bóng người.

 

Song trên khắp các nẻo đường, lực lượng vũ trang quân khu V và nhân dân địa phương đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân quy mô của địch. Kết thúc một ngày chiến đấu ngoan cường, quân và dân ta đã tiêu diệt 919 tên giặc Mỹ xâm lượt, bắn rơi 13 máy bay, đánh cháy 22 chiếc xe tăng và xe bọc thép, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của địch.

 

Chiến thắng Vạn Tường đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lượt Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng cũng chính trong chiến dịch này, ông bị một viên đạn của địch bắn vào đầu gối, hai mắt bị mờ do địch bơm nước thải trong lúc tiến vào Vạn Tường. Ông là thương binh 3/4. Thế nhưng khi hỏi chuyện về những ngày tháng hào hùng cùng những cơn đau hành hạ khi viên đạn đang nằm trong cơ thể, ông lại lờ đi.

 

Hiện giờ, mỗi lúc trái gió trở trời hay đi nhiều, vết thương cũ lại đau nhức, bước chân ông đi lại tập tễnh rất khó khăn. Thấy ông đi lại vất vả, nhiều người khuyên ông nên bớt đi, nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng ông gạt đi: “Cuộc sống còn nhiều người khó khăn”.

 

Những ngày tháng chiến tranh, ông sống cho đất nước; những ngày tháng hòa bình, ông sống cho những thân phận thiệt thòi…

 

Khánh Hồng