1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người thương binh kiên cường trong “bóng tối”

(Dân trí) - 35 năm trước, khi vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Trung Thanh tự cắn tay mình đến bật máu để viết đơn tình nguyện vào chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ - Quảng Trị. Trong một trận đánh ác liệt để giữ Thành Cổ, anh bị mảnh đạn M79 găm vào đầu làm chấn thương hộp sọ và mù cả hai mắt…

Sau chuỗi ngày dưỡng thương, Trung Thanh dò dẫm trở về quê hương (thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) để bắt đầu chuỗi ngày “chiến đấu” với bóng tối.

 

Ngày về không vẹn nguyên

 

Tiếp tôi trong căn nhà khang trang nằm nép mình dưới tán cây trái xanh mướt ở thôn Bắc Sơn, anh Nguyễn Trung Thanh tự hào kể: Khoảng tháng 3/1972, chiến trường Thành Cổ bước vào giai đoạn ác liệt. Tất cả thanh niên quê anh đều lên đường nhập ngũ. Anh vì là con trai độc nhất trong gia đình nên anh được miễn nghĩa vụ quân sự.

 

Nhiều lần đọc những bức thư còn cay nồng khói thuốc súng của các anh chị, bạn bè gửi về từ chiến trường, anh càng hạ quyết tâm phải lên đường. Mặc gia đình, người thân can ngăn, anh tự cắn tay mình đến bật máu để viết đơn tình nguyện xin đi chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ.

 

Ngày anh lên đường, mẹ tiễn anh bằng giọt nước mắt mặn chát nơi khoé mắt già nua. Đến tháng 8/1972, trong một trận đánh, anh bị một mảnh đạn M79 găm vào đầu. Trung đội K8 của anh hôm đó, có 49 người thì chỉ có 3 người còn sống sót. Với tỷ lệ thương tật 93%, anh vẫn được coi là người “may mắn”.

 

Năm 1977, anh trở về quê hương với đôi mắt mù loà, bước đi dò dẫm nhờ một cây gậy.

 

Băng qua bóng tối...

 

Nhớ lại những ngày còn nằm điều dưỡng ở Đoàn 582, anh kể lúc đó chỉ mong sớm bình phục để được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình chứ không kịp nghĩ đến những khó khăn trong cuộc sống mà anh phải đương đầu. Người sáng mắt tự nuôi sống mình đã khó, người bị mù loà như anh càng khó gấp mấy lần.

 

Không cam chịu cảnh phải nhờ cậy vào người khác, anh quyết tâm lên “kế hoạch” tự lo cho bản thân. Hàng ngày, anh dò dẫm đi từ đầu thôn đến cuối thôn để làm quen dần với từng con đường, ngõ xóm. Anh từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân để tập sinh hoạt như một người bình thường. Sau một thời gian dài kiên trì tập luyện, mọi sinh hoạt của anh dần thành thạo như người sáng mắt.

 

Anh bắt đầu tính chuyện tự nuôi sống bản thân. Anh vay vốn từ người thân, bạn bè để mở quán bán tạp hóa. Hiện quán của anh là nơi cung cấp xăng dầu, ngư cụ phục vụ cho người đi biển trong thôn, cho thuê rạp, bàn ghế, chén bát phục vụ đám cưới, đám ma, dịch vụ karaoke. Tính sơ mỗi năm anh cũng có thu nhập từ 50-60 triệu đồng.

 

Hỏi anh chuyện vợ con, anh tâm sự: Cuộc đời anh có nhiều cái may mắn nhưng may mắn lớn nhất là được gặp rồi nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hương. Có lẽ hình ảnh anh thương binh mù hàng ngày tập dò dẫm từng bước chân trên con đường thôn đã đánh thức sự bao dung, sẻ chia nơi trái tim nhân hậu của cô thôn nữ Nguyễn Thị Hương. Năm 1982, chị nhận lời yêu anh rồi nên duyên vợ chồng.

 

Hạnh phúc của anh chị càng nhân lên khi lần lượt 3 đứa con bụ bẫm ra đời. Anh trầm ngâm tâm sự mà không giấu được niềm hạnh phúc: Nhiều đồng đội của anh nằm lại chiến trường đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chiến trường đã lấy của anh đôi mắt nhưng bù lại anh có vợ hiền, con ngoan.

 

Ông “Hội trưởng” có tấm lòng từ thiện

 

Biết tôi muốn tìm hiểu thêm về Hội Tình thương ở thôn Bắc Sơn do anh cùng với các cựu chiến binh khác lập ra để giúp đỡ lẫn nhau, anh cho biết: Cách đây mấy năm, thấy gia đình của nhiều cựu chiến binh trong thôn gặp hoàn cảnh khó khăn, anh cùng với 5 cựu chiến binh khác bàn nhau lập ra Hội Tình thương để có điều kiện giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Mục đích cụ thể của Hội Tình thương là mỗi người một ít góp tiền vào quỹ Hội sau đó cho các gia đình cựu chiến binh cũng như bà con nghèo vay vốn không tính lãi suất. Ngoài ra, khi trong thôn có người đau ốm, bệnh tật, người già neo đơn đều được các thành viên của Hội đến chăm sóc, thăm hỏi.

 

Mân mê cuốn sổ ghi những trường hợp được Hội Tình thương giúp đỡ, anh cho biết thêm: Số tiền cho vay không nhiều nhưng gọi là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã giúp đỡ được hàng chục lượt hộ gia đình vượt qua khó khăn. Hiện tại, Hội Tình thương thôn Bắc Sơn không dừng lại ở con số 5 cựu chiến binh mà đã thu hút nhiều người trong thôn tham gia với quỹ Hội lên đến vài chục triệu đồng... 

 

Từng bước chậm tiễn tôi ra ngõ, anh nói với tôi mà như nói với chính mình rằng thương binh phấn đấu “tàn nhưng không phế” đã là điều đáng ghi nhận. Tôi biết, anh còn hơn thế nữa bởi anh đã vượt qua bóng tối để vươn lên làm giàu cho chính mình và giúp đỡ người nghèo khó...

 

Sỹ Hoàng