Phú Yên:
Người thương binh cần mẫn góp công xây nhà bia tưởng niệm đồng đội
(Dân trí) - Để linh hồn đồng đội có nơi yên nghỉ và thế hệ con cháu mai sau ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, Đại tá, thương binh Lưu Công Thục đã góp công sức xây 3 nhà bia tưởng niệm đồng đội ở Phú Yên.
Năm nay Đại tá, thương binh Lưu Công Thục đã ở tuổi 70, trí tuệ còn rất minh mẫn, khảng khái. Tuy nhiên, những vết thương khi còn chiến đấu ở đôi chân lại sưng đau, khiến việc đi lại của ông Thục gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), ông Thục vẫn cố gắng lên thăm lại chiến trường xưa, nơi đồng đội cùng sát cánh chiến đấu với ông và ngã xuống mãi mãi, góp công cho thắng lợi của dân tộc.
Đến nơi đây, ông Thục đã cẩn thận lau chùi sạch sẽ bia tưởng niệm và sắp xếp lại hoa quả, thắp nén hương cho các đồng đội đã khuất.
Sát cánh cùng đồng đội ghi nhiều chiến công
Trò chuyện cùng PV Dân trí, ông Thục cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định. Đến năm 17 tuổi ông nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh ông được điều vào chiến trường Kon Tum, đến năm 1968 thì chuyển về tỉnh Phú Yên để nhận nhiệm vụ.
Lúc này, ông được được bổ sung về Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) sau này là Tiểu đoàn 13 của Tỉnh đội Phú Yên để cùng anh em chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.
Từ năm 1968 đến khi đất nước thống nhất, ông Thục sát cánh cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh ác liệt và giành được nhiều thắng lợi quan trọng như: Tháng 1/1972, Tiểu đoàn 13 đóng quân ở Trại Cháy, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa. Ông Thục là trung đội phó, được giao nhiệm vụ chỉ huy tập kích địch ở đồi Đá Ong. Ông đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3;
Ngày 27/5/1972, đơn vị ông đánh địch tại ấp Quán Cau (Tuy An). Sau trận này, ông Thục được phong chuẩn úy tại trận;
Ngày 19/3/1975, ông Thục lúc này là đại đội trưởng chỉ huy Đại đội 1 (Tiểu đoàn 13) đánh tiêu diệt địch tại cứ điểm Cầu Cháy (huyện Tây Hòa) và giành thắng lợi. Đây là trận đánh then chốt để làm bàn đạp giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên.
Bên cạnh những chiến công là những mất mát đau thương khi có nhiều đồng đội của ông ngã xuống, như trận ở ấp Bắc Lý (Sơn Hòa) cả đại đội của ông chỉ có 4 người còn sống.
“Ngày 19/6/1971, địch tập trung một lực lượng lớn bao vây Đại đội 2 ấp Bắc Lý (Sơn Hòa), lực lượng của ta đã kiên dũng chiến đấu và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tuy nhiên do địch quá đông, nên 57 cán bộ chiến sĩ của Đại đội 2 đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường, tôi và 3 đồng đội khác may mắn rút lui được khỏi trận địa. Đó là một trận đánh mà quá nhiều đồng đội của tôi đã phải ngã xuống” - ông Thục xúc động nhớ lại.
Hay trận đánh ở Cầu Cháy, dù ông Thục chỉ huy giành thắng lợi vẻ vang nhưng vẫn có đến 16 đồng đội của ông nằm lại chiến trường này.
Cùng cựu binh xây nhà bia tưởng niệm đồng đội
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Thục tiếp tục công tác trong quân đội, là đại tá chỉ huy Sư đoàn 305 cho đến ngày về hưu.
Và cũng trong thời gian này, ông Thục tích cực tìm kiếm giúp thân nhân quy tập hơn 20 mộ liệt sĩ. Đặc biệt trong những năm gần đây, ông và đồng đội đã góp công sức, tiền bạc để xây 3 nhà bia tưởng niệm đồng đội. Đến nay, 3 địa điểm này đều được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Những đóng góp của ông Thục được đồng đội và chính quyền địa phương ghi nhận:
“Việc chăm lo, nghĩa tình đồng đội của anh Thục rất hiếm người làm được. Đến nay, anh đã góp công sức để xây 3 nhà tưởng niệm để đồng đội có nơi an nghỉ, con cháu anh hùng liệt sĩ có nơi hương khói đó là điều rất đáng mừng. Nếu không có những người xông xáo, trách nhiệm như anh Thục thì có thể sẽ không có các công trình này” - Đại tá Cao Văn Hiến - Chủ tịch hội cựu chiến binh Hòa Mỹ Đông chia sẻ.
Ông Đào Tấn Hữu, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (huyện Tây Hòa): “Ông Thục được đồng đội nhờ đứng ra giám sát, thi công công trình nhà bia tưởng niệm 167 liệt sĩ hy sinh ở xã Hòa Thắng. Ông Thục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đứng trông coi xây dựng xuyên suốt từ khi thực hiện đến khi hoàn thành. Có hôm tôi đến thăm công trình, mời anh Thục dùng cơm nhưng anh từ chối vì chưa xong việc. Bản thân tôi rất kính trọng anh.”
Cụ thể, ông cùng Đại tá Trần Văn Mười vận động xây dựng mộ tập thể cho 57 liệt sĩ hy sinh tại ấp Bắc Lý (bây giờ là khu phố Bắc Lý, Sơn Hòa). Công trình được hoàn thành năm 2012, với kinh phí hơn 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm, vào ngày 18/6, ông Thục cùng đồng đội và chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức cúng giỗ liệt sĩ.
Năm 2018, ông cùng các ông Phạm Trung Mạo, Châu Thanh, Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền quyên góp xây dựng nhà bia tưởng niệm 167 liệt sĩ hy sinh trong trận ngày 5/4/1968 tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí gần hơn 350 triệu đồng, từ nguồn đóng góp tự nguyện của cựu chiến binh Trung đoàn 10.
Hoặc mới đây vào ngày 18/6/2020 công trình nhà bia tưởng niệm 16 anh liệt sĩ hi sinh ở trận Cầu Cháy (huyện Tây Hòa) với kinh phí 250 triệu đồng do ông và đồng đội Tiểu đoàn 13 đồng đóng góp cũng vừa hoàn thành.
Nhìn công trình nhà bia tưởng niệm ở Cầu Cháy vừa mới hoàn thành, ông Thục xúc động chia sẻ: “Để đất nước hoà bình, rất nhiều anh em đã ngã xuống, nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện lập được bia tưởng niệm. Nên tôi và các đồng đội còn sống, còn sức lực sẽ tiếp tục vận động mọi người đóng góp lập bia tưởng niệm, để ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hi sinh vì dân tộc.
Nhưng dù sao đi nữa, những công trình này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không bao giờ đong đầy được những mất mát hi sinh của các đồng đội và người thân của họ. Cho nên chúng tôi mong muốn rằng, các thế hệ hôm nay và mai sau dù như thế nào cũng phải mãi mãi ghi ơn công lao nhưng anh hùng liệt sĩ, tham gia chiến đấu làm nên chiến thắng, giải phóng quê hương để chúng ta có một cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay” - ông Thục xúc động.