1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Bình:

Người thương binh 15 năm làm “cảnh sát giao thông” không công

(Dân trí) - Hơn 15 năm qua, hàng ngày cứ từ sáng sớm đến chiều muộn, ông Hòe lại ra thị tứ Cống Rút, tay cầm gậy, đeo băng đứng giữa đường điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho từng tốp học sinh và người qua đường một cách an toàn nhất.

Hơn 15 năm qua, người dân thị tứ Cống Rút, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã quá quen thuộc với ông “Cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ này. Họ cảm phục và xem ông là “thần may mắn” giúp người tham gia giao thông qua đường một cách an toàn.

Ông Hòe đang điều tiết giao thông cho học sinh và người đi đường.
Ông Hòe đang điều tiết giao thông cho học sinh và người đi đường.

“Cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ đó là ông Nguyễn Đình Hòe (SN 1949). Sinh ra và lớn lên ở xã An Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, khi đất nước còn trong chiến tranh, đến tuổi nhập ngũ, ông tham gia kháng chiến chống mỹ tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong một trận càn của địch, ông bị thương tại mặt trận Quảng Đức.

Sau khi hòa bình lập lại, năm 1977, ông được phục viên và trở về công tác tại văn phòng UBND huyện Đông Hưng. Đến năm 1990, do sức khỏe giảm sút ông chuyển về thôn Nhiên Phú, thị tứ Cống Rút, huyện Hưng Hà để dưỡng bệnh.

Nhiều lần đi đường, chứng kiến những cảnh tai nạn đau lòng, nhất là tại thị tứ Cống Rút - "điểm đen" tai nạn giao thông - nơi có trường THPT Đông Hưng Hà, cách đó hơn 100m có cây cầu nhỏ bắc qua sông, hàng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông qua. Hàng ngày mỗi giờ tan học, cảnh tắc đường hay tai nạn khiến ông không thể ngồi yên…

Ông Hòe tâm sự: “Lúc ấy, tôi chứng kiến nhiều vụ đau lòng nên trong đầu đã nung nấu ngay ý định mình phải làm một điều gì đó để giảm tải tình trạng tai nạn nơi đây, hay hòa giải những vụ xích mích, đánh nhau của đám thanh niên mỗi khi chúng đi học về”.

Nghĩ không có cách nào hay hơn cách cứ đến giờ học sinh đi học và ra về, ông tự nguyện ra “đứng đường”. Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau ông bắt đầu sắm cho mình một chiếc còi, một chiếc gậy, một chiếc băng đỏ ghi dòng chữ: “An ninh trật tự - An toàn giao thông” rồi bắt đầu công việc của mình.

Cách trường THPT Đông Hưng là cây cầu nhỏ mỗi khi tan học đoạn đường này hay ách tắc.
Cách trường THPT Đông Hưng là cây cầu nhỏ mỗi khi tan học đoạn đường này hay ách tắc.

Cứ như vậy ông Hòe bắt đầu công việc của mình từ vào các thời điểm 6h30 sáng, 10h30, 12h30 và 16h30 mỗi ngày. Ông lần lượt giúp từng nhóm học sinh qua đường, giải quyết những vụ va chạm giữa học sinh với nhau. Thời điểm giao thông đông nhất là lúc 16h30, các phương tiện trọng tải lớn qua lại nhiều nên ông phải có mặt từ sớm để điều tiết giao thông.

Lúc đầu một mình ông làm việc hết sức vất vả, cứ hướng dẫn được đoạn này, đến đoạn sau giao thông lại lộn xộn, một mình ông quả thật không kham nổi. Về sau có một số cựu chiến binh xin tham gia làm cùng ông nên công việc đỡ vất vả hơn.

Sau đấy ông Hòe đề xuất ý tưởng với Ban công an xã Hùng Dũng, thành lập một tổ tự quản có quy chế với sự tham gia của 5 cựu chiến binh tâm huyết, bao gồm các ông: Nguyễn Đức Hoa, Phạm Quốc Ghi, Nguyễn Văn Lễ, Phạm Ngọc Bảo, Vũ Văn Xuyền. Tổ tự quản được thành lập, mỗi một người được phân công làm nhiệm vụ trên từng cung đường để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người qua lại.

“Lúc đầu đi làm, tôi phải giấu gia đình, hàng xóm xung quanh thì cứ đồn, cho rằng mình không có việc gì làm nên rỗi hơi đi làm mấy cái việc chẳng đâu vào đâu. Sau khi tôi nói ra tâm tư, nguyện vọng của mình thì cả gia đình ai cũng đồng ý”, ông Hòe bộc bạch.

Từ ngày có ông Hòe điều tiết giao thông trên đoạn đường này, các bậc phụ huỵnh đều cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Thời gian trước, khi ông Hòe và đội của ông chưa làm công việc này, đã có nhiều trường hợp chen chúc qua cầu mà xô đẩy nhau khiến cả người lẫn xe lộn nhào xuống sông; rồi nhiều lái xe đi rất ẩu, dù biết lòng cầu hẹp nhưng vẫn cố tình điều khiển cho xe chạy, ép học sinh vào thành cầu gây tai nạn đáng tiếc…

 Ông Hòe đang kể lại cơ duyên mình đến với nghề.
 Ông Hòe đang kể lại cơ duyên mình đến với nghề.

Cứ như vậy, đã hơn 15 năm qua, dù ngày nắng hay mưa, giữa cái nắng oi ả mùa hè hay cái lạnh “cắt da cắt thịt” của mùa đông, chưa ngày nào ông và các đồng đội bỏ bê công việc "vác tù và hàng tổng" của mình.

Chia tay, ông Hòe nói một câu giản dị: “Tôi còn làm đến khi sức khỏe không cho phép, chỉ sợ một ngày nào đó không ai đứng ra làm cái việc này rồi lại xảy ra tai nạn, các cháu học sinh đến trường lại không yên tâm...”.

Đức Văn