1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người thầy thuốc nằm trên giường bệnh

“...Chỉ cần một chút thôi, dù là rất nhỏ, nhưng như thế cũng đã đủ giúp ích cho anh, gia đình anh qua cơn hoạn nạn. Cho người mẹ có con. Cho người vợ có chồng. Cho người con còn côi cút có cha. Cho một cán bộ y tế khát khao được sống...”.

Những câu chữ thiết tha, bùi ngùi đó của bác sĩ Võ Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm - nói về bác sĩ Huỳnh Quang Đốc (34 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi), đang trị bệnh tại TPHCM.

 

Bác sĩ Đốc cùng vợ và con gái mới 2 tuổi đang thuê một căn phòng nhỏ tại Q.5, TPHCM ở tạm. Ánh mắt anh mệt mỏi và trĩu nặng nỗi buồn. Cách đây hơn hai tháng, bác sĩ Đốc thấy mình bị tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, sau đó là sụt cân và da cứ xanh xao dần. Công việc chuyên môn cứ cuốn anh đi, cho đến khi vào TPHCM khám bệnh anh mới biết mình bị suy thận mãn giai đoạn cuối.

 

Dù đã được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị nhưng hằng tháng anh vẫn phải đóng thêm cho bệnh viện 3,6 triệu đồng khi chạy thận nhân tạo. Chưa kể tiền thuê nhà, tiền xe ôm ra vào bệnh viện, tiền ăn uống cho cả nhà mỗi tháng hết hơn 2 triệu đồng. Vợ anh là điều dưỡng Trần Thị Thanh Nguyệt làm cùng bệnh viện, phải tạm nghỉ việc để chăm sóc chồng. Ngôi nhà nhỏ cha mẹ cho ra riêng, anh chị phải dứt ruột bán đi nhưng cũng chỉ đủ để trang trải chi phí cho vài tháng...

 

Tốt nghiệp Đại học Y Tây nguyên năm 1995, ra trường bác sĩ Đốc trở về quê hương Đức Phổ với tâm nguyện được cống hiến, chăm sóc sức khỏe cho bà con nghèo tại quê nhà. Bác sĩ Đốc kể: “Bệnh nhân của tôi đa số là nông dân nghèo. Tiền giường bệnh hồi sức cấp cứu chỉ có 12.000 đồng/ ngày nhưng nhiều người cũng không có để đóng. Tôi chỉ có thể giúp đỡ họ bằng tinh thần, động viên họ vượt qua nghịch cảnh”.

 

Thương người bệnh nghèo, năm 2001 theo lời kêu gọi của UBND tỉnh, bác sĩ Đốc tình nguyện đi hỗ trợ y tế vùng sâu ở huyện Ba Tơ - một trong những huyện nghèo nhất Quảng Ngãi. Anh gắn bó với công việc khám chữa bệnh, với đồng bào dân tộc thiểu số HRe ở đó hai năm, làm việc trong điều kiện thiếu thốn.

 

Mười hai năm khoác áo blouse trắng, không ít lần bác sĩ Đốc phải ứa nước mắt khi thấy những bệnh nhân nghèo không có tiền đóng viện phí. Anh chỉ biết tự nhủ phải gắng học thật nhiều, nghiên cứu thật nhiều để phục vụ tốt hơn cho người dân quê mình. Năm 2003, anh đi học bác sĩ chuyên khoa I hồi sức cấp cứu tại Đại học Y Hà Nội, rồi học thêm chuyên khoa sơ bộ về nội soi dạ dày. Anh được bổ nhiệm làm phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm được vài tháng thì phát bệnh.

 

“Làm ngành y, nhất là làm ở khoa hồi sức cấp cứu, chúng tôi hay bị ám ảnh bởi bệnh tật và hoàn cảnh của bệnh nhân. Nào ngờ, ám ảnh đó đã ứng vào mình. Trước đây tôi mặc áo blouse trắng đi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Còn bây giờ phải mặc áo bệnh nhân để đồng nghiệp chữa trị. Ước gì tôi được trở lại làm công việc bình thường, để lại được mặc chiếc áo blouse trắng...” - giọng bác sĩ Đốc như nghẹn lại.

 

Bác sĩ Thanh Tân viết cho chúng tôi: “Chỉ có một điều kỳ diệu: nếu được ghép thận thì Đốc có cơ may được sống. Còn nếu chạy thận nhân tạo thì có nghĩa là đã nhận được kết quả “một cái chết được báo trước”, chỉ là biện pháp kéo dài sự sống”.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi Trẻ