1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Người thầy thuốc mang quân hàm xanh

(Dân trí) - Từ lâu, bà con đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã quen thuộc với hình ảnh Trung uý Trần Minh Vũ, quân y đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay - đóng trên địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ, anh còn khám, chữa bệnh cho người dân, tuyên truyền và hướng dẫn cho bà con cách phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện sinh đẻ kế hoạch.

 

Người thầy thuốc mang quân hàm xanh - 1

Trung uý Vũ đang cấp thuốc cho bà Kăn Rươi

 

Đồng bào ở đây vẫn thường gọi anh với cái tên thân thương - Người thầy thuốc quân hàm xanh.

 

Vượt hơn 60 km đường rừng, con đường men theo những quả đồi gập ghềnh, uốn lượn, vất vả lắm chúng tôi mới tới được xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - nơi đóng quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay.

 

Theo bước chân của Trung uý Trần Minh Vũ, cán bộ quân y của đồn, chúng tôi cùng anh tới gia đình bà Kăn Rươi, thôn ARông Dưới, xã A Ngo. Bị cảm nặng nên bà phải nhờ đứa cháu cạnh nhà đi gọi cán bộ Vũ tới chữa. Sau khi được khám và cấp thuốc, bà vui mừng kể: “Cán bộ Vũ giỏi lắm, tốt bụng lắm. Về công tác 4 năm nhưng đã 10 lần cán bộ tới chữa bệnh cho mẹ. Lần nào bệnh của mẹ cũng đỡ. Người dân ở đây biết ơn cán bộ lắm, nhờ cán bộ mà đồng bào được chữa lành bệnh, có sức khoẻ để làm việc, để phát triển kinh tế”.

 

Cùng Trung uý Vũ trở về Đồn Biên phòng, chúng tôi được nghe anh kể về công việc của mình. Nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị từ năm 1993, anh công tác tại Đồn Biên phòng 204 Cửa Tùng thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Sau đó anh được tổ chức cho đi học lớp trung cấp y tại trường dạy nghề số 11 Bộ Quốc Phòng.

 

Năm 2007, ra trường, Trung uý Trần Minh Vũ về phụ trách phòng khám quân dân y tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Lay, đóng tại xã A Ngo, huyện Đakrông, với nhiệm vụ trực tiếp khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại 2 xã biên giới A Ngo và A Bung. Anh thường xuyên phối hợp với cán bộ y tế địa phương tận tình đến từng nhà chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

 

Chỉ tính riêng trong năm 2010, anh đã cùng với cán bộ y tế địa phương khám chữa bệnh cho hơn 2.600 lượt bệnh nhân. Cũng nhờ anh mà công tác phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình của người dân ở đây đã được nâng lên rõ rệt.

 

Nói về anh, chị Hồ Thị Thuỷ, cán bộ Trạm y tế xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết: “Anh Vũ nhiệt tình lắm, anh thường xuyên phối hợp với chúng tôi làm công tác phòng dịch, khám chữa bệnh cho dân. Tuyên truyền để người dân hiểu thực hiện công tác sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn vệ sinh tránh để xảy ra dịch bệnh”.

 

Xã A Ngo và xã A Bung là những địa bàn có nhiều đồi núi hiểm trở, nhiều sông suối, giao thông đi lại trong địa bàn còn khó khăn nhất là mùa lũ đến. Hơn 90% là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Đời sống người dân còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, chăn nuôi gia súc, gia cầm phần lớn thả rong làm nguồn nước ô nhiễm. Trong khi đó, gần 80% người dân dùng nước suối để ắn uống, sinh hoạt nên dễ nảy sinh dịch bệnh như: tả, lị, thương hàn.v.v. và dễ gây thành dịch lớn. Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết phức tạp, mưa nắng thất thường, độ ẩm cao dễ xảy ra dịch bệnh sốt rét, quai bị. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất ban đầu, trang thiết bị khám chữa bệnh và nhất là khó khăn do bất đồng ngôn ngữ nhưng Trung uý Vũ vẫn vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Anh Vũ tâm sự: “Cái khó khăn nhất trong khi khám, chữa bệnh cho dân là bất đồng ngôn ngữ. Có những người lớn tuổi không nói được tiếng Kinh, họ nói về triệu chứng bệnh mình không hiểu nên khó để chẩn đoán là bệnh gì. Do đó, điều cần thiết là mình phải học tiếng ở đây…”.

 

Tuy nhiên, điều làm anh trăn trở nhất là trang thiết bị khám chữa bệnh ở đây còn nhiều thiếu thốn, thuốc chữa bệnh còn thiếu nên khó để chăm sóc tốt sức khoẻ cho đồng bào, chiến sĩ.

 

Cùng với khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ và cho đồng bào 2 xã A Ngo và A Bung, anh còn tham gia nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con các nước bạn Lào, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Không quản ngại gian khó, không kể là người dân nội biên hay ngoại biên, anh vẫn đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây để chăm sóc sức khoẻ cho họ. Và họ biết ơn anh vì điều đó!

 

Hoàng Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm