1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người thanh niên tự xây “nhà máy” nước

Trên con đường đất đỏ gập ghềnh ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), Nguyễn Hiệp Cường bắt gặp hình ảnh cụ già dân tộc Thổ, đôi chân mấp mé bám đường, trên vai gánh 2 xoong nước. Một ý tưởng táo bạo được vạch ra: xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Điện trung ương, Nguyễn Hiệp Cường (quê ở xã An Khê, Quỳnh Phu, Thái Bình) vào Xí nghiệp chè Bãi Trành (nay là xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) làm công nhân. Để có nước sinh hoạt, người dân ở đây phải đi lấy từng xô nước cách gia đình hàng chục cây số. Trẻ em ngoài giờ học phải đi thồ nước, đôi vai người già cũng chai sạn vì gồng gánh.

 

Năm 1998, Cường bắt đầu nghĩ tới việc xây hệ thống cấp nước sinh hoạt. Ý tưởng của anh được lãnh đạo xí nghiệp ủng hộ, nhưng khó khăn là tìm nguồn nước và vốn đầu tư. Anh đạp xe xuống Công ty khai thác nước ngầm Thanh Hóa tìm hiểu các mạch nước ngầm trên địa bàn. “Nghe các anh trong Công ty nói muốn khai thác, tìm hiểu mạch nước ngầm phải tốn hàng trăm triệu đồng, trong khi tôi không có đến tiền triệu. Tôi lân la hỏi cách khai thác mạch nước ngầm, nhưng không nhận được câu trả lời nào chính xác”, Cường kể.

 

Trở về địa phương, nghe các cụ có kinh nghiệm cho biết nơi nào có cây to sinh sống, nơi đó mạch nước không bị cạn kiệt. Cường liền sử dụng một mó nước (nơi có nước nhưng rất ít) để làm nguồn khai thác lâu dài. Anh có biệt danh Cường “liều” từ đó. Sau một thời gian dài thẩm định chất lượng các mẫu nước từ cơ quan chức năng, anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.

 

Sau một năm, việc thử nghiệm sử dụng nguồn nước này thành công, nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng dịch vụ cấp nước, Cường “liều” quyết định xây dựng hệ thống ống dẫn nước cố định, lắp đồng hồ nước, xây dựng nhà máy nước theo mô hình trạm cấp nước cấp 1 (tại mó nước) và trạm cấp nước cấp 2 (tại bể lọc).

 

Dù phải vay mượn gần 200 triệu đồng để xây lại toàn bộ hệ thống ống dẫn nước ngầm, nhưng anh vẫn quyết định làm. Hơn 400 hộ (gần 2.000 nhân khẩu) và 6 cơ quan, doanh nghiệp ở xã Bãi Trành đã sử dụng dịch vụ cấp nước của nhà máy nước này gần 7 năm qua, hằng ngày cung cấp hơn 200 m3 nước cho người dân.

 

Anh Nguyễn Đình Luân, người 7 năm nay dùng nước của anh Cường, cho biết: “Hàng nghìn người ở đây đều đang sử dụng hệ thống nước của nhà máy anh Cường. Chính công trình này góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân”.

 

Vì cuộc sống của người dân

 

Đầu năm 2006, tuyến đường Nghi Sơn - Bãi Trành được khởi công xây dựng. Toàn bộ hệ thống dẫn nước ngầm của Cường bị giải tỏa. Một lần nữa anh lại đứng trước khó khăn. Tiền nợ cũ chưa trả xong, tiền đền bù giải phóng mặt bằng không đủ để anh xây dựng lại.

 

Gần một tháng phải ngừng cấp nước, hàng trăm hộ dân rơi vào tình trạng khó khăn vì không có nước sinh hoạt. Anh bàn với vợ vay mượn hàng chục triệu đồng để làm hệ thống đường ống nước dẫn tạm cung cấp cho bà con.

 

Hằng ngày, vợ chồng anh thay nhau kéo hàng trăm mét đường dây tạm đi đến từng gia đình để cấp nước. Chị Lê Thị Ly (vợ anh Cường) cho biết: “Từ ngày cưới anh ấy đến giờ (năm 2003), làm công việc này tôi thấy thương anh quá. Vợ chồng thức khuya, dậy sớm để cấp nước. Gần 6 tháng nay, phục vụ nước theo đường dẫn tạm cho người dân, chúng tôi không có bữa cơm nào đúng bữa!”.

 

Ngoài việc xây dựng lại hệ thống đường dẫn nước mới, anh Cường còn làm thêm đường ống dẫn nước cứu hoả dọc khu dân cư. “Cả năm có thể không dùng đến, nhưng khi cần nó sẽ giảm được rất nhiều thiệt hại cho bà con”, anh giải thích.

 

Ông Đinh Ngọc Xuân, Phó bí thư Huyện ủy Như Xuân khẳng định: “Cường là chàng trai dám nghĩ, dám làm. Việc có ý nghĩa nhất mà anh đã làm được là góp phần làm giảm bớt khó khăn của người dân sinh sống ở khu vực miền núi”.

 

Theo Tiền Phong