1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người thân phi công hy sinh: "Lần này tôi gọi anh ấy không nghe máy nữa!"

(Dân trí) - “Lần nào nắm thông tin máy bay rơi, tôi cũng nhắn hỏi thăm anh ấy bay ổn không? Lúc nào anh cũng nhắn lại: "Cô yên tâm, anh bay ổn". Nhưng lần này tôi nhắn tin hỏi thì không gửi được, gọi điện thì thuê bao tắt máy. Đến 2h chiều thì bàng hoàng biết tin máy bay của anh rơi...”.

Người thân phi công hy sinh: "Lần này tôi gọi anh ấy không nghe máy nữa!" - 1

Chiều ngày 26/7, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tìm về gia đình Trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 921 (SN 1978) ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội - một trong hai phi công hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự Su-22U trưa cùng ngày tại Nghệ An.

Nhà Trung tá Khuất Mạnh Trí lúc này đã có khá đông người đến thăm hỏi, chia buồn.

Ngồi lẫn trong đám đông bà con hàng xóm đến chia buồn với gia đình, ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi) cho biết, anh Khuất Mạnh Trí là người rất hiền lành, thân thiện với xóm làng.

“Tôi sống ở đây lâu rồi, từ nhỏ Trí ngoan lắm, hiền lành ai cũng yêu quý. Hiện Trí sống cùng vợ và hai con nhỏ, còn bố thì mất cách đây đã lâu. Trí rất khiêm tốn, mỗi lần đi công tác về không đeo quân hàm nên dân chúng tôi cũng chỉ biết anh ấy làm trong quân đội, chứ không biết là một phi công giỏi. Chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng khi đọc được thông tin anh ấy hy sinh. Anh ấy là trụ cột của gia đình, tội hai còn còn quá nhỏ!” - ông Mạnh buồn rầu chia sẻ.


Bà con hàng xóm đến chia buồn với gia đình.

Bà con hàng xóm đến chia buồn với gia đình.

Một người hàng xóm khác nói: “Dù không phải là người trong nhà nhưng khi hay tin cháu Trí gặp nạn chúng tôi đều rất buồn. Mọi người đều cầu mong có một phép màu nào đó để Trí được quay trở về, nhưng điều đó đã không xảy ra...”.

Vợ Trung tá Trí hiện công tác tại Bưu điện thị xã Sơn Tây. Hai con của anh chị còn rất nhỏ, dường như còn chưa cảm nhận hết nỗi đau mất cha.


Trung tá Khuất Mạnh Trí và gia đình riêng. Anh ra đi khi các con còn quá nhỏ. (Ảnh gia đình cung cấp)

Trung tá Khuất Mạnh Trí và gia đình riêng. Anh ra đi khi các con còn quá nhỏ. (Ảnh gia đình cung cấp)

Chị Khuất Minh - em họ Trung tá Khuất Mạnh Trí - bàng hoàng nhớ lại: “Lần nào nắm thông tin máy bay rơi, tôi cũng nhắn hỏi thăm anh ấy bay ổn không? Lúc nào anh cũng nhắn lại: "Cô yên tâm, anh bay ổn". Nhưng lần này tôi nhắn tin hỏi thì không gửi được, gọi điện thì thuê bao tắt máy. Đến 2h chiều thì bàng hoàng biết tin máy bay của anh rơi...”.

Qua lời kể của chị Minh, Trung tá Trí sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp, có truyền thống. Bố anh là cựu tù binh Côn Đảo, được trao trả về năm 1973. Ông bị bệnh mất vào năm 2003. Trước khi trở thành phi công, anh Trí thi đỗ Đại học Bách Khoa nhưng 1 tuần sau bên Quân chủng Phòng không không quân gọi điện báo anh đỗ vào trường quân đội nên anh quyết định theo nghiệp bộ đội của bố.

“Anh học giỏi, sống tình cảm. Anh bay liên tục, hầu như không ở nhà, lần đầu tiên bay ở Nha Trang, trước khi chuyển về Nội Bài thì bay ở Bắc Giang. Anh là anh cả luôn lo lắng cho gia đình, ngay sau khi bố mất, anh là chỗ dựa, trụ cột gia đình của mẹ, của vợ con và em gái" - chị Minh vừa nói vừa trào nước mắt.

Máy bay quân sự bị rơi được cho là xuất phát từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vào khoảng 12h ngày 26/7. Tại hiện trường ghi nhận cho thấy máy bay bị nổ, có nhiều mảnh vỡ rơi xuống hiện trường.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, máy bay rơi là máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút.

Hai phi công bay huấn luyện hy sinh gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 921, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 921, sinh năm 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.

Trần Thanh