1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Nguyên:

Người sống sót kể lại giây phút cả mái nhà thờ đổ sập

(Dân trí) - “Khi chúng tôi đang làm trên đỉnh mái nhà thờ thì toàn bộ hệ thống mái bỗng rung lắc chớp nhoáng rồi sụp xuống ầm ầm khiến mọi người không kịp trở tay. Ai đứng ở dưới nền đều không kịp chạy. Bên ngoài tiếng mọi người hô hoán kêu cứu hỗn loạn”.

Tai họa ập đến quá bất ngờ khiến cả vùng quê Ngọc Lâm - Linh Sơn - Đồng Hỷ - Thái Nguyên phủ đầy tang tóc trong những ngày cận Tết. Vùng quê Ngọc Lâm có đến hơn 90% người dân theo đạo Thiên chúa. Vì vậy công trình nhà thờ là tâm nguyện của cả cộng đồng nơi đây. Cũng chính vì thế, vào ngày thi công đổ mái nhà thờ, cả làng kéo nhau đến công trường tự phân công mỗi người mỗi việc trong tâm trạng đầy phấn khởi.

Hàng chục người thương vong trong khoảng khắc sập mái nhà thờ.
Hàng chục người thương vong trong khoảng khắc sập mái nhà thờ.

Phần lớn những người bị nạn đều ở phía trên mái nhà, bị chấn thương chủ yếu do va đập với khối lượng xi măng, sắt thép. 3 nạn nhân xấu số tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng là anh Phạm Văn Lộc (36 tuổi), anh Bùi Văn Kế (48 tuổi) và anh Đặng Văn Biên (33 tuổi), đều trú tại xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn.

Là người chứng kiến toàn bộ vụ sập công trình, ông Nguyễn Văn Hay, trú tại xóm Ngọc Lâm - Linh Sơn - Đồng Hỷ vẫn chưa thể hoàn hồn. “Lúc đó tôi đang bơm nước để trộn vữa thì nghe thấy tiếng rắc rắc. Tôi chỉ kịp gọi với lên mái nhà thờ thì toàn bộ giàn giáo đổ ầm ầm như động đất. Cùng với đó, hàng chục con người cả trên lẫn dưới vòm mái bị xô ngã lẫn lộn giữa bê tông, cốt pha trong tiếng kêu cứu, gào khóc động trời”, ông Hay bàng hoàng kể lại.

Anh Nguyễn Mạnh Quyền (37 tuổi), trú tại xóm Ngọc Lâm, là người may mắn thoát chết trong gang tấc, mô tả lại phút sinh tử: “Lúc xảy ra sự cố, tôi đang làm trên đỉnh mái nhà thờ thì thấy toàn bộ phần mái dưới chân sập xuống. Trong phút chốc, tôi nghe thấy những tiếng va đập khủng khiếp, khắp người đau đớn, mặt mũi sa sầm xuống. Lúc hồi tỉnh đã thấy mình ngã văng ra bên rìa công trình. Bên ngoài tiếng mọi người hô hoán kêu cứu hỗn loạn”.

Các nạn nhân được cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.
Các nạn nhân được cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.

Trong tâm trạng bối rối, chị Trần Thị Tâm nước mắt giàn giụa lo lắng cho chồng là anh Vũ Quang Thanh (34 tuổi), một nạn nhân trong vụ sập nhà thờ. Tại khoa chấn thương của bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, anh Thanh nằm bất tỉnh, khuôn mặt có rất nhiều vết xước, tay phải bị gãy phải bó bột. Đặc biệt, vùng sọ bị chấn thương nghiêm trọng, phải khâu hơn 20 mũi ở hai bên thái dương và sau gáy. 

Chăm sóc con trai tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Tin (54 tuổi), trú tại xóm Ngọc Lâm rơm rớm nước mắt: “Con trai tôi là Phạm Văn Khoang vẫn đang phải nằm điều trị tại khoa hồ sức sau cấp cứu. Bác sĩ bão nó bị chấn thương xương khớp, tai trái chảy nhiều máu do bị thép đổ rầm mái sượt qua. Không biết có tai qua nạn khỏi hay không. Trong xóm, mấy nhà có người chết đang vật vã đau đớn khiến chúng tôi không thể cầm lòng”.

Nhiều nạn nhân vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch.
Nhiều nạn nhân vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Huy Sơn - Phó Giám Đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên - cho biết, hiện bệnh viện đã tiếp nhận 47 bệnh nhân là nạn nhân trong vụ sập mái nhà thờ thi công vào lúc 10h ngày 17/1, trong đó có 3 bệnh nhân đã tử vong.

Theo bác sĩ Sơn, hiện tại hơn 40 bệnh nhân còn lại đang được các bác sĩ theo dõi tích cực diễn biến sức khỏe, trong đó có nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, bị chấn thương cột sống, vỡ gan, tràn khí màng phổi…

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã huy động khoảng 200 y, bác sĩ cùng hàng trăm sinh viên thực tập làm công tác sơ, cấp cứu và hỗ trợ bệnh nhân. Không đủ giường cấp cứu cho bệnh nhân, bệnh viện đã huy động người trải chiếu xuống sảnh khoa khám bệnh để có chỗ tiếp nhận bệnh nhân. Toàn bộ Ban Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp xuống chỉ đạo công tác cấp cứu. Cụ thể, khoa hồi sức cấp cứu hiện có 3 bệnh nhân, khoa chấn thương chỉnh hình có 22 bệnh nhân, còn lại ở các khoa răng, hàm, mặt..

Người dân xóm Ngọc Lâm cho biết nhà thờ Ngọc Lâm là công trình xã hội hóa với 100% chi phí do người dân quanh vùng góp công, góp của xây dựng. Phần trụ móng và tường được xây dựng rất kiên cố. Phần móng được đóng hàng trăm cột trụ bê tông sâu 3m để lèn đất; thành phần vữa được xây theo đúng tỉ lệ khoa học. Tuy nhiên, khâu đóng giàn giáo để đổ mái không lường hết được trường hợp xấu xảy ra, vì thế cột chống sử dụng không đảm bảo yêu cầu. Khi đổ vữa, cột chống không chịu nổi trọng lượng của mái nên đã bị gãy, dẫn đến sập mái.

Cận cảnh nhà thờ Ngọc Lâm nơi xảy ra sự việc.
Cận cảnh nhà thờ Ngọc Lâm nơi xảy ra sự việc.

Ngay sau khi vụ sập mái nhà thờ xảy ra, chính quyền địa phương đã có phương án hỗ trợ bước đầu các nạn nhân. Theo đó, gia đình mỗi nạn nhân tử vong được hỗ trợ 7 triệu đồng. Gia đình mỗi nạn nhân bị thương đang phải điều trị được hỗ trợ 2 triệu đồng.
 

 Nhiều nạn nhân vụ sập mái nhà thờ đang trong tình trạng nguy kịch

Trong số 47 nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tại khoa hồi sức cấp cứu hiện có 3 bệnh nhân, khoa chấn thương chỉnh hình có 22 bệnh nhân, còn lại ở các khoa răng, hàm, mặt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc trực cấp cứu tại khoa hồi sức cấp cứu cho biết, hiện tại có 3 bệnh nhân trong tình trạng đang được theo dõi tích cực tại đây là Lê Văn Kiên (36 tuổi, ở xã Linh Sơn - Đồng Hỷ) bị chấn thương cột sống nặng, Phạm Văn Khoan (34 tuổi, ở Linh Sơn - Đồng Hỷ) bị chấn thương vai phải và Nguyễn Văn Bích (48 tuổi, trú tại Trúc Duyên - TP Thái Nguyên) bị chấn thương hàm mặt.

 
Anh Thế